Diễn đàn “điện ảnh - khoảng trống diễn viên"

“Chảy máu chất xám” đội ngũ diễn viên

Một thực tế đáng buồn là hiện nay, trong khi có rất nhiều người từ các lĩnh vực khác (như người mẫu, MC, ca sĩ, diễn viên kịch nói…) nhảy vào điện ảnh thì lại có những diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp và thật sự có tài, nhảy sang các lĩnh vực khác. Sẽ không có chuyện gì để nói nếu như đó là một sự trao đổi qua lại công bằng giữa các ngành nghề nghệ thuật. Nhưng ở đây vấn đề không đơn giản như vậy.

“Một năm chúng ta có được bao nhiêu bộ phim hay và thật sự có chất lượng? Một năm nếu người diễn viên chỉ trông chờ vào những khoản tiền cát-xê ít ỏi từ việc đóng phim thì lấy gì để họ sống?”. Tôi nhớ mãi lời bộc bạch hết sức chân thành của một diễn viên nổi tiếng trong một bài báo viết về những tâm sự trăn trở với nghề của anh. Trước giờ chúng ta mới chỉ quan tâm đến đời sống của giáo viên hay các cán bộ công nhân viên chức hưởng lương nhà nước, mà quên đi một đối tượng cũng vô cùng quan trọng khác, người diễn viên.

Họ cũng đóng góp rất nhiều cho xã hội. Họ cũng cống hiến hết mình cả tài năng lẫn tâm huyết nghệ thuật để làm giàu hơn đời sống tinh thần cho xã hội. Cả nghề giáo, nghề lao động hành chính xã hội hay nghề diễn viên đều đòi hỏi và hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Nhưng những sự đóng góp lẫn đời sống vật chất của diễn viên điện ảnh dường như vẫn chưa được xã hội nhìn nhận và có sự quan tâm đúng mức.

Họ phải làm thêm những công việc khác trái nghề như buôn bán, kinh doanh (mở shop quần áo thời trang, studio nghệ thuật, nhà hàng khách sạn…) để có tiền nuôi dưỡng giấc mơ nghệ thuật. Hoặc họ làm thêm các công việc khác gần với điện ảnh như biên kịch, dạy thêm ở các trường sân khấu điện ảnh, làm MC, diễn viên kịch nói…

Bởi “khoản thù lao tôi nhận được từ việc làm MC chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây hơn hẳn số tiền cát-xê ít ỏi làm diễn viên trong suốt hơn 13 năm trời”, như lời chia sẻ chân thành và thẳng thắn của diễn viên Quyền Linh khi anh trả lời báo giới. Vậy thì làm sao có thể trách được họ. Chuyện “chảy máu chất xám” của điện ảnh tuy là chuyện đau lòng nhưng thật khó tránh khỏi.

Trong khi đó nhiều ca sĩ, người mẫu thời trang, MC, diễn viên kịch nói… nhảy vào điện ảnh. Và khi trả lời báo chí, họ luôn nói “tôi muốn thử khám phá thêm một khả năng mới của mình”, “tôi đang thử nghiệm”, “tôi đến với điện ảnh một cách rất tình cờ” hay thậm chí là “điện ảnh chỉ là một cuộc dạo chơi”. Vậy ra điện ảnh cũng chỉ là một “thử nghiệm”, nên họ khó lòng trở thành diễn viên xuất sắc và chính nền điện ảnh cũng khó thể phát triển căn cơ, bền vững.

Thế nên họ không toàn tâm toàn trí với công việc thử nghiệm là điều đương nhiên, vì suy cho cùng “được thì tốt mà không được cũng không sao”. Chính vì tâm lý “ngoại đạo” đó của một bộ phận không nhỏ diễn viên đã làm cho tính chuyên nghiệp của các tác phẩm điện ảnh ngày càng đi xuống.

Tuy phần “nhận lại” cũng khá đông và hùng hậu, nhưng rõ ràng vẫn không thể nào lấp được phần “tinh túy” đã bị mất đi. Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn là vấn đề muôn thuở, và chuyện “chảy máu chất xám” là việc không thể không diễn ra. 

THU TÂM
67/236H Bùi Đình Túy P12 Bình Thạnh TPHCM

Tin cùng chuyên mục