Chạy đua tái thiết ở Syria

Từ khi giành được nhiều thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố sau hơn 6 năm xảy ra chiến sự, Chính phủ Syria đã bắt tay vào công cuộc tái thiết tại những vùng được giải phóng. Nếu chiến sự kết thúc, Syria rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ai giữ ưu thế trong cuộc chạy đua tái thiết ở Syria là câu hỏi đang được quan tâm. 
Chuyển hàng cứu trợ đến người dân ở Aleppo
Chuyển hàng cứu trợ đến người dân ở Aleppo
Nga chiếm ưu thế 
Vốn là đồng minh thân thiết, lại sát cánh trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ( IS) tự xưng từ năm 2015 cho đến nay, Nga được nhìn nhận sẽ chiếm nhiều ưu thế trong cuộc chạy đua tái thiết ở đất nước bị tàn phá nặng nề như ở Syria.
Hiện nay, các thể chế tài chính của Syria không thể cấp vốn cho nỗ lực tái thiết đất nước khi mà tổng tài sản của 12 ngân hàng của nước này chỉ vỏn vẹn 3,5 tỷ USD. Ông Jihad Yazigi, tác giả của Báo cáo Syria hàng tuần, cho biết chi phí tái thiết Syria ước tính vào khoảng 200 tỷ USD (hiện có những ước tính trên 300 tỷ USD).  
Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột ở Syria đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia này khoảng 226 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria năm 2010. Khoảng 85% dân số sống dưới mức nghèo đói, trong khi một nửa dân số không có công ăn việc làm.
Bất ổn chính trị và an ninh cũng làm cho đồng nội tệ mất giá thảm hại, khiến đời sống của đại bộ phận người dân ngày càng khó khăn. Tỷ giá đồng bảng so với USD năm 2012 ở mức 50 bảng Syria/USD, nhưng nay tăng lên 550 bảng Syria/USD.
Trong khi đó, mọi thứ hàng hóa trên thị trường đều đã tăng gấp nhiều lần, nhất là nước sinh hoạt, xăng dầu và điện, do đó đời sống của người dân ngày càng đi xuống.
Theo giới phân tích, để khôi phục Syria, bước đầu tiên chủ yếu là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không có nó thì cuộc sống không thể hoạt động, sau đó mới đến việc lập các ngành sản xuất mang lại lợi nhuận. Cũng còn quá sớm để nói giai đoạn phục hồi nhà ở, giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống năng lượng công nghiệp và sưởi ấm dân sinh sẽ thành công thế nào, bởi điều đó chủ yếu phụ thuộc vào thành công của tiến trình chính trị. 
Từ khi chiến sự nổ ra ở Syria, vai trò của Nga luôn chiếm một vị trí quan trọng từ trên bàn đàm phán lẫn trên mặt trận chiến đấu. Vì thế, việc đảm nhận vai trò hỗ trợ chính cho Syria thời hậu chiến là điều rất dễ hiểu. Dù gặp khó khăn kinh tế trong thời điểm bị phương Tây siết chặt vòng vây cấm vận, Nga vẫn thể hiện sự hào phóng khi xóa tới trên 73% nợ (tương đương 9,8 tỷ USD) cho Syria.
Sau chuyến thăm đến Syria của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, diễn ra vào ngày 12-9, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố  thông tin cho biết hơn 4.000 tấn vật liệu xây dựng sẽ được vận chuyển từ Nga tới Syria trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhiệm vụ tái thiết cơ sở hạ tầng các khu định cư được giải phóng.
Theo đó, các lô thiết bị và vật liệu xây dựng sẽ được vận chuyển bằng đường sắt tới cảng Novorossiysk và từ đó đưa sang Syria. Bộ Quốc phòng Nga chịu trách nhiệm việc vận chuyển này. Số thiết bị được gửi đi gồm 40 máy móc các loại (máy ủi, máy xúc, cần cẩu), hơn 2.000 tấn ống kim loại dành cho các hệ thống nước và cơ sở hạ tầng quan trọng, hàng trăm ki lô mét dây cao áp và cáp sợi quang để khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc, vật liệu xây dựng bệnh viện, trường học và các cơ sở xã hội.
Trước khi thông tin của Bộ Quốc phòng Nga công bố, phía truyền thông phương Tây đã cho biết, có một số thỏa thuận khác cũng được ký kết giữa Syria và Nga, cho phép các công ty Nga khai thác các giếng dầu, khí đốt, phần lớn bị IS chiếm giữ nhiều tháng qua.
“Miếng bánh” hấp dẫn
Để thu hút nguồn đầu tư vào kinh tế thời hậu chiến, hồi cuối tháng 8 năm nay, Hội chợ quốc tế Damascus đã diễn ra tại Syria. Theo hãng thông tấn SANA, đây là hội chợ đầu tiên được tổ chức từ năm 2011 cho đến nay, có sức thu hút vượt ngoài mong đợi với lượng khách tham quan đạt 2,2 triệu người chỉ trong vòng 10 ngày.
Sự trở lại lần này của Hội chợ quốc tế Damascus diễn ra đúng vào thời điểm được cho là mang đến cơ hội vàng cho các doanh nghiệp muốn chớp thời cơ đón đầu công cuộc tái thiết tại Syria. Hội chợ có tổng cộng 49 gian hàng từ doanh nghiệp của hơn 40 nước trong khu vực và quốc tế. Các sản phẩm được trưng bày vô cùng phong phú, từ các sản phẩm dệt may - vốn là sản phẩm trụ cột của nền kinh tế Syria trước chiến tranh - tới các sản phẩm nông nghiệp.
Chính phủ Syria đang nỗ lực đảm bảo cho cuộc sống của người dân tại các vùng từng nổ ra chiến sự. Hôm 7-9, một đoàn gồm 40 chiếc xe tải chở hàng viện trợ đã vào thành phố Deir Ezzor của Syria. Đây là lần đầu tiên hàng viện trợ được vận chuyển qua một con đường mới mở sau khi quân chính phủ phá vỡ phòng vây của lực lượng thánh chiến thuộc IS. Trong suốt 3 năm qua, người dân địa phương phải trông chờ vào những nguồn hàng viện trợ được thả từ trên không xuống một căn cứ quân sự của một trong những sư đoàn của Syria.
Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bà Bouthaina Shaaban, tuyên bố, chính phủ nước này sẽ chiến đấu chống lại bất kỳ lực lượng nào, trong đó có cả các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cũng đang chiến đấu chống các tay súng của tổ chức IS, trong công cuộc giành lại toàn bộ lãnh thổ Syria. Theo bà Shaaban, lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm đóng nhiều khu vực từ IS mà không cần chiến đấu, ngầm cáo buộc lực lượng này thông đồng với IS. 
Dù bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nhưng trữ lượng dầu mỏ và nguồn tài nguyên của Syria được cho là “miếng bánh” hấp dẫn mà nhiều quốc gia không thể làm ngơ. Sau Nga, 2 quốc gia được cho là cùng tham gia trong cuộc chạy đua tái thiết ở Syria sẽ là Iran và Trung Quốc. Vào ngày 12-9, Iran và Syria đã ký các thỏa thuận thực hiện một loạt dự án phát điện và cải tạo mạng lưới điện của Syria, động thái cho thấy Iran đang có vai trò kinh tế ngày càng lớn tại quốc gia láng giềng sau nhiều năm chiến tranh và xung đột.
Nhân chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Điện lực Syria, 2 nước đã ký Bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực điện. MoU bao gồm dự án xây dựng một nhà máy phát điện có công suất 540 MW tại tỉnh duyên hải Latakia, dự án khôi phục trung tâm kiểm soát lưới điện chủ chốt của Syria ở thủ đô Damascus và dự án sửa chữa trạm điện 90 MW tại tỉnh Deir al-Zor, nơi quân đội Syria cùng các lực lượng đồng minh vừa tấn công nhằm đánh bật nhóm khủng bố IS tự xưng trong những ngày gần đây.
Những động thái gần đây của Trung Quốc đang cho thấy Bắc Kinh thực sự không muốn bị gạt ra ngoài. Nước này tỏ ra rất muốn tham gia với tư cách là một trong những quốc gia có thể giải quyết khủng hoảng Syria. Trung Quốc ngày càng tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề Syria, nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước này. Trước khủng hoảng, Trung Quốc đã hợp tác trong lĩnh vực dầu khí Syria, nhưng chiến tranh đã khiến vụ hợp tác bị hủy bỏ. Trong tháng 7 năm nay, Chính phủ Trung Quốc ký thỏa thuận với Chính phủ Syria để đầu tư 2 tỷ USD xây dựng các khu công nghiệp trên khắp đất nước.

Tin cùng chuyên mục