Chất lượng sống từ quy hoạch và kiến trúc đô thị

Công tác quy hoạch không gian và thiết kế đô thị đóng vai trò đặc biệt, tác động đến chất lượng của cuộc sống. 
Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sau khi được chỉnh trang đã góp phần giải quyết tiêu thoát nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM
Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sau khi được chỉnh trang đã góp phần giải quyết tiêu thoát nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM
Hiểu một cách đơn giản nhất thì quy hoạch không gian là việc bố trí, sắp xếp các vật thể (nhà cửa, công sở, đường sá, thiết bị kỹ thuật) trong một không gian 4 chiều (chiều cao, rộng, dài và chiều thời gian).
Quy hoạch và chất lượng sống 
Quy hoạch và thiết kế là hoạt động tạo ra những cái vỏ, cái khuôn để chứa bên trong là những không gian sinh hoạt của cá nhân và cộng đồng. Hình thái của cái vỏ (hình thức, quy mô, chất lượng) sẽ quyết định chất lượng của đời sống. Ở đô thị, dường như tất cả những sinh hoạt của con người từ sản xuất, đi lại đến các hoạt động tinh thần đều được diễn ra trong một giới hạn không gian nào đó; và bao xung quanh nó là một vỏ vật chất; cho dù đó là một nhà máy, một trường học, một công viên hay một căn phòng. Do vậy việc bố cục hình thể, tạo dáng không gian, sắp đặt vị trí sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hệ quả “ngăn nắp” hay “lộn xộn” của đời sống của mỗi cá nhân và hàng triệu con người. 
Việc quyết định hướng phát triển của thành phố có thể mang lại sự bình yên cho cộng đồng dân cư hay những cơn khủng hoảng triền miên về sinh thái, đất đai. Thiết kế một giao lộ có thể mang lại sự di chuyển dễ dàng nhưng cũng có thể mang lại những tai họa nhân mạng. Xây dựng một chung cư theo kiểu thiết kế này thì cuộc sống hài hòa, nhưng theo một kiểu khác thì tạo ra những xáo trộn lớn.
Một ví dụ là hiện tượng tắc nghẽn giao thông nội thị ở TPHCM ngày một trầm trọng, có lỗi của việc quy hoạch các siêu thị. Hầu hết các siêu thị đều nằm ở ngay ngã ba, ngã tư đường, chẳng hạn như: Siêu thị Co.opmark Cống Quỳnh nằm ngay ở giao điểm ngã ba của hình chữ T giữa hai con đường Cống Quỳnh và Bùi Thị Xuân. Tương tự, siêu thị Big C nằm ở giao điểm chữ T của hai con đường Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành. Siêu thị Sài Gòn nằm ở giao lộ thường xuyên kẹt xe của hai con đường 3 Tháng 2 và Nguyễn Tri Phương. Siêu thị Co.opmark Thủ Đức nằm ngay sát điểm giao cắt của ngã tư xa lộ Hà Nội lúc nào cũng đông đúc người, xe qua lại…  
Hệ lụy nếu quy hoạch thiếu đồng bộ 
Quy hoạch và thiết kế không gian tốt đảm bảo cho chất lượng sống là quy hoạch đảm bảo được 3 yêu cầu: Thứ nhất là đồng bộ, mức độ lệch pha thấp. Như đã biết, để có được cuộc sống bình thường, con người cần đến rất nhiều thứ, bao gồm môi trường sống, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, và các thiết chế xã hội. Nếu những thứ này không đồng bộ theo hệ thống sẽ làm cho cuộc sống rất khó khăn.  
Thứ hai là quy hoạch và thiết kế luôn luôn được trù tính cho tương lai. Khi thiết kế bất cứ thứ gì cho xã hội như cấp thoát nước, xây bệnh viện, trường học người ta buộc phải tính cho nhiều năm sau, tức là phải dự báo cho được dân số và nhu cầu gia tăng. Chẳng hạn, khi thiết kế hệ thống nước thải cho 1 thành phố có 500.000 dân của ngày hôm nay thì ta phải thiết kế dự phòng cho thành phố 2 triệu hoặc 3 triệu dân sau 50 năm, thậm chí hàng trăm năm. Nếu không thiết kế dự phòng thì đến một lúc nào đó cả thành phố sẽ trở thành một đại công trường, đào đắp liên miên mà không biết khi nào thì chấm dứt.  
Thứ ba là quy hoạch luôn tính đến các yếu tố bản địa, như khí hậu thời tiết, văn hoá, tôn giáo và thói quen. Nếu bỏ qua điều này có thể sẽ làm cho người dân khó thích nghi. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, người dân đảo quốc này có chất lượng sống cao nhất châu Á, một phần lớn là nhờ công tác quy hoạch không gian của chính phủ. Đề án quy hoạch của Singapore hiện đại được công bố năm 1968, và nó còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhờ vậy mà  Singapore trở thành một thành phố rất trật tự, kỷ cương và kiểm sát tốt.

Tin cùng chuyên mục