Chấp nhận “sóng gió” để vươn tầm phát triển

Với Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, 2017 là năm để lại nhiều dấu ấn khó quên, trong đó có việc xây dựng 3 dự án  luật: Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đang trong giai đoạn hoàn thiện).
Những nỗ lực của Bộ trưởng Dũng và đội ngũ cán bộ pháp chế của ông đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức ghi nhận tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai kế hoạch 2018.
Chấp nhận đụng chạm
Cá nhân ông Dũng là vị Bộ trưởng thứ 2, sau Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, được Thủ tướng khen ngợi trong năm nay vì đã kiên trì chuẩn bị, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng là Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ DNNVV.
Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn chia sẻ: “Để khắc phục tình trạng chồng chéo, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch trong bối cảnh cả nước có tới 19.000 quy hoạch, ông Dũng và thuộc cấp đã rất dày công đấu tranh với các bộ, ngành liên quan, thậm chí đấu tranh trong nội bộ để cho ra đời được Luật Quy hoạch, cũng mất lòng nhau ghê lắm, nhiều cuộc còn đập bàn đập ghế tranh luận”.
Khi bàn đến tính đột phá để hỗ trợ cộng đồng DNNVV ai cũng nhất trí, nhưng khi động đến các luật có liên quan như thuế, kế toán và tài chính... các cơ quan chủ quản hầu như đều không muốn Luật Hỗ trợ DNNVV làm thay đổi quy định hiện hành. Nghĩa là muốn đột phá, muốn khác biệt, nhưng lại không muốn thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Quả thực, Luật Quy hoạch là một trong những dự án luật “bảy nổi ba chìm”, từ khi được khởi thảo cho đến lúc được Quốc hội bấm nút thông qua mất tới cả chục năm, từng bị rút ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 13, lùi thời hạn trình ra Quốc hội, chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.
Nhưng rồi sau những phiên thảo luận đầy kịch tính, dự án luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội với tỷ lệ đồng thuận khá cao (433/455 đại biểu có mặt tán thành). Không khó hiểu khi Luật Quy hoạch được thực thi, đã và sẽ có tới hàng chục luật hiện hành phải sửa đổi, cắt bỏ quyền hạn cố hữu của hàng loạt cơ quan nhà nước, cả ở Trung ương lẫn địa phương. “Thở phào” nhẹ nhõm sau khi dự luật được thông qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Vẫn phải làm thôi, dù biết động chạm”. 
Chấp nhận “sóng gió” để vươn tầm phát triển ảnh 1 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giới thiệu các dự án với nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Trị. 
Được chuẩn bị trong thời gian ngắn hơn nhiều, nhưng dự án Luật Hỗ trợ DNNVV cũng không kém phần sóng gió. Cho đến cuối phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội kỳ họp thứ 4 về dự thảo luật, vẫn còn đến 9 đại biểu chưa có thời gian phát biểu. Các ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, thậm chí chê nhiều hơn khen. Vừa cầu thị tiếp thu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa phải thuyết phục Quốc hội bằng tất cả sự mềm mỏng, khéo léo của mình. Chẳng thế nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã gọi đây là dự án luật “đầy tâm tư của Bộ trưởng”. 
Công bằng mà nói, kỳ vọng vào một đạo luật luôn rất lớn và đôi khi không thể đáp ứng, vì còn phải đảm bảo sự phù hợp với khuôn khổ pháp luật chung, mà trong trường hợp này là chiếc túi ngân sách quốc gia, vốn chưa dư dả trong khi còn phải san sẻ cho rất nhiều mục đích. 
Kỳ vọng thể chế mới
Nền kinh tế Việt Nam tuy đang ở giai đoạn có đà phát triển tốt, nhưng vẫn còn phải đối diện với rất nhiều tồn tại, hạn chế, khối lượng công việc của Bộ KH-ĐT năm 2018, trong đó có công tác xây dựng pháp luật, chắc chắn còn rất nặng nề. Bộ sẽ phải chuẩn bị, trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến hoàn thiện nhiều dự án luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN; hoàn thiện đề án xây dựng Luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư… 
Và tất nhiên, không thể không kể đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chủ đề đã làm nóng nghị trường Quốc hội, nhiều phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề được tổ chức trên toàn quốc trong thời gian qua. Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, đã có đến 69 đại biểu đăng ký phát biểu, góp ý về dự thảo luật này, dù chỉ có 24 vị đại biểu đủ thời gian phát biểu tại hội trường.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được trình Quốc hội thông qua. Trong khi đó, cái khó, rất khó ở dự án luật này như đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội chỉ rõ, là có sự tổng hợp cả yếu tố hành chính và kinh tế, động chạm đến những nguyên lý căn cốt về tổ chức nhà nước, vì thế đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. 
“Kỳ vọng của chúng ta là tạo ra được một thể chế mới thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển hết sức tự do, cạnh tranh trong khuôn khổ Hiến pháp. Chúng ta nên đưa những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta có thể cho phép, không đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì cho nhà đầu tư. Chúng ta có rất nhiều quyền, có quyền cho thể chế này, cho dự án kia, đáp ứng yêu cầu nọ. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng nhà đầu tư có một quyền thôi, quyền rất quan trọng là người ta không làm. Trong khi chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất rõ” - người đứng đầu ngành KH-ĐT nhiều lần kiên nhẫn chia sẻ quan điểm của ông. 
Làm sao có thể chế tốt nhất, cạnh tranh nhất, mà những vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ quyền quốc gia, tổ chức nhà nước phải giữ và giữ bằng được? Ông Dũng hiểu rõ điều trăn trở ấy của các vị đại biểu Quốc hội và đó là gánh nặng ông, là một trong những người chịu trách nhiệm gánh vác chính.
Hy vọng năm 2018, người đứng đầu ngành KH-ĐT tiếp tục làm tròn vai trong lĩnh vực xây dựng pháp luật còn rất ngổn ngang, đồng thời với nhiều lĩnh vực khác bộ quản lý; góp phần hướng đến mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư chung tay vì sự phát triển của đất nước.
Nhiều vấn đề lớn, căn cốt đang đặt ra trong nền kinh tế cần có giải pháp hóa giải, như chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra với Bộ KH-ĐT: Làm sao giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ nguồn lực tư nhân và từ nước ngoài có chọn lọc? Làm sao sản xuất mang giá trị gia tăng cao hơn, chứ không thể chỉ làm nguyên liệu thô như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục