Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM:

Chấp nhận những tranh luận trái chiều, văn minh và nhã nhặn

Hội Nhà văn TPHCM vừa ra mắt trang web Văn chương phương Nam tại địa chỉ: www.vanchuongphuongnam.vn với ban điều hành mới. Trang web do nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, làm Trưởng ban Điều hành kiêm Trưởng ban Biên tập (BBT). Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với ông. 
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu

PHÓNG VIÊN: Ngoài tên miền, điểm khác biệt lớn nhất giữa vanchuongphuongnam.vn và hoinhavantphcm.com.vn trước đây là gì, thưa ông?

Nhà thơ PHẠM SỸ SÁU: Khác biệt lớn nhất là Văn chương phương Nam bây giờ có một hội đồng biên tập rõ ràng. Ngoài ra, nội dung có thêm nhiều mục mới như: Dọc đường văn học, Nhịp sống phương Nam, Chân dung, Nhà văn trẻ - cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin cần thiết; đồng thời cũng là những tư liệu giúp các nhà văn có cảm nhận đầy đủ hơn về cuộc sống quanh mình.

 Website hoinhavantphcm.com.vn dừng lại vì lý do kinh phí. Liệu ban điều hành mới có cách nào để không đi vào vết xe đổ này?

Trước hết đây là một website hoạt động theo phương thức xã hội hóa, kinh phí do một công ty hỗ trợ trong vòng 2 năm. Trước đây, website hoạt động giữa chừng phải ngưng mấy lần, lý do là không có tiền trả lương hàng tháng cho kỹ thuật viên, tiền thuê tên miền… Để vận hành một website có dung lượng lớn như hoinhavantphcm.com.vn, chi phí cho cả năm hơn trăm triệu đồng. Do đó, việc có mạnh thường quân hỗ trợ trong vòng 2 năm giúp chúng tôi hoạt động ổn định hơn. Bởi thực tế cho thấy, hoạt động trong tâm thế không chủ động được tài chính sẽ vô cùng khó. 

Thêm vào đó, hội đồng BBT có 6 người được phân công rất cụ thể: nhà văn Trầm Hương phụ trách văn xuôi, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phụ trách thơ, nhà văn Tô Hoàng phụ trách lý luận phê bình, dịch thuật… Đặc biệt, mỗi người trong hội đồng đều có khả năng tìm tòi và giới thiệu bài vở lên website. Chúng tôi hy vọng nội dung của Văn chương phương Nam sẽ đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. 

Ngay từ đầu, ban điều hành định hình Văn chương phương Nam là diễn đàn của Hội Nhà văn TPHCM hay có một tầm vóc khác, bởi thực tế, nhìn vào trang web hiện tại không khác gì một trang thông tin điện tử?

Đây sẽ là trang thông tin điện tử tổng hợp, cũng là diễn đàn của Hội Nhà văn TPHCM. Chúng tôi muốn website này không chỉ là diễn đàn văn chương của riêng TPHCM mà còn là của bạn bè khu vực, rộng hơn là cả nước. Văn chương phương Nam có phạm vi rộng như website hoinhavantphcm.com.vn trước đây, nhưng khả năng tổ chức, thu hút bài vở sẽ tốt hơn, bởi chúng tôi tạo ra một diễn đàn mà ở đó chấp nhận mọi khuynh hướng. Chúng tôi mở mục mới là “Tiếng nói nhà văn”, để các nhà văn thể hiện quan điểm của mình trước một vấn đề thời sự nào đó. 

Một diễn đàn về văn chương, học thuật nhưng có tham vọng mở rộng sang những câu chuyện showbiz, hay các vấn đề bên ngoài văn chương, điều này có ôm đồm quá không, thưa ông? 

 Theo tôi, thế giới showbiz cũng là một phần của cuộc sống, không có cái gì vượt lên trên cuộc sống cả. Bởi vậy, thông tin về showbiz cũng góp phần giúp bạn đọc hiểu biết thêm về cuộc sống, giúp cuộc sống phong phú hơn. Nếu chỉ bàn về văn chương không thôi, tôi nghĩ nó sẽ nhàm chán. 

Nói qua nói lại mà chỉ toàn về văn chương, không có hơi thở cuộc sống trong đó, dễ tạo cho nhà văn ấn tượng và cái nhìn phiến diện. Chính Văn chương phương Nam sẽ tạo cho nhà văn điều kiện tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh trải nghiệm cá nhân mà mình đang sống thì có thêm nhiều nguồn thông tin do Văn chương phương Nam cung cấp. Thậm chí chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những tranh luận trái chiều, văn minh và nhã nhặn. 

Hiện tại, nhìn vào Văn chương phương Nam có thể nhận thấy “cái gì cũng có”, vậy cuối cùng bản sắc của website này là gì?

 TPHCM là “thành phố mở”, mở rộng vòng tay với mọi người và đây là điều mà Văn chương phương Nam sẽ thể hiện được. Bên cạnh văn học, các khía cạnh khác của đời sống cũng được dung nạp vào trang web để người đọc thấy được diện mạo chung của thành phố và khu vực, từ đó hình thành nên lượng người đọc và những người đọc này sẽ tham gia bài vở, góp phần giúp website ngày càng phong phú hơn.

Thực tế, chúng tôi cung cấp thêm thông tin có chọn lọc, giúp người đọc có thêm cái nhìn về một thế giới cũng gần gũi với mình, chứ không phải đưa tin như một trang giải trí. Bây giờ lượng người đọc ngày càng ít, người viết nhiều nhưng chất lượng cũng hạn chế. Nếu không đưa nhiều loại hình khác vào trang của mình sẽ rất đơn điệu, chỉ văn chương không thì rất ít người vào. 

 Văn chương phương Nam hoạt động với chức năng chính là diễn đàn của Hội Nhà văn TPHCM. Ông và mọi người sẽ thực hiện chức năng chính này như thế nào?

Chủ yếu là giới thiệu các sáng tác mới của các nhà văn, ưu tiên các nhà văn TPHCM, các hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM và các chi hội. Đây cũng sẽ là tiếng nói của nhà văn TPHCM và cả nước. Đó là mối quan tâm lớn nhất trong hoạt động của website. Chúng tôi mong rằng, mỗi nhà văn hãy truy cập vào trang Văn chương phương Nam ít nhất mỗi ngày một lần hoặc mỗi tuần một lần để cập nhật các thông tin của hội. 

Công việc quản lý bận rộn như vậy, thời gian dành cho sáng tác của ông có bị ảnh hưởng?

Hiện tại, tôi đang phác thảo một trường ca về cuộc sống, người dân Campuchia. Đầu tháng 4 này, tôi sẽ đi Campuchia trải nghiệm và cảm nhận thêm về cuộc sống nơi đây sau 40 năm. Tôi từng là người lính ở chiến trường K, cơ bản đã có cảm nhận đầy đủ về đất nước và con người Campuchia, nhưng tôi muốn cảm nhận thêm cuộc sống mới, bằng những rung cảm thực sự, xem nó phát triển đến mức độ nào để mình đưa vào sáng tác.

Điều gì thôi thúc ông theo đuổi đề tài này? 

Tôi có gần 10 năm sống ở Campuchia trong giai đoạn 20 - 30 tuổi, nên dấu ấn về thời kỳ đó rất sâu đậm. Đó cũng là món nợ của tôi với đồng đội, bởi họ đã nằm lại chiến trường. Đôi khi nó là món nợ mà mình muốn nói, cuộc sống ở Campuchia phát triển như ngày nay có một phần đóng góp của con em họ và họ cũng được an ủi vì điều đó. Lâu nay, tôi có một cảm nhận: Mình nhìn cuộc sống và người dân Campuchia qua những nét thô phác, đơn giản; tôi muốn đi sâu hơn để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Bởi vì, điều đọng lại trong cuộc sống của mình có lẽ là những người bạn tài năng đã ra đi, không có gì để thể hiện. Chính điều đó thôi thúc tôi phải viết. Viết về Campuchia cũng là viết về đồng đội, về những người thân của mình, chứ không phải chỉ viết về chiến trường Campuchia. Tôi muốn viết để giải tỏa nỗi u uất, để mọi người hiểu thêm về sự hy sinh của một thế hệ.

Tin cùng chuyên mục