Chấn chỉnh nạn xả rác

Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ Giáng sinh hoặc đón năm mới, tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đều tràn ngập rác. 
Câu chuyện “rác sau lễ hội” không phải mới và dư luận đã nhiều lần lên tiếng, song việc chấn chỉnh xem ra không dễ. Chúng ta vẫn phải chứng kiến khung cảnh lễ hội mở đầu với nhiều sắc màu rực rỡ, nhưng sau khi kết thúc đọng lại là tình trạng “màu rác” ngập tràn.
Sau chương trình lễ hội đón năm mới 2018 vào tối 31-12-2017 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), hàng ngàn nam thanh, nữ tú ra về, để lại những đống rác thải tràn ngập cả con phố này. Họ cũng chẳng thấy xấu hổ khi ngang nhiên tàn phá cả cảnh quan nơi lễ hội diễn ra, giẫm nát hoa cảnh và thảm cỏ, đu bám, leo trèo làm gãy cành cây lớn xô đổ hàng rào.
Hình ảnh nhếch nhác, rác bỏ bừa bãi cũng diễn ra tại cầu Thủ Thiêm (quận 2), nơi đông đảo người dân chen chúc nhau xem bắn pháo hoa. Từ giấy bìa, bao ni lông, thức ăn thừa, chai nhựa, vỏ bia… cũng tràn ngập ra cả một khu vực rộng rãi. Mặc dù lúc 0 giờ mới bắn pháo hoa, nhưng từ lúc 21 giờ của ngày cuối cùng năm cũ, nhiều nhóm bạn trẻ đã tụ tập ăn nhậu, nhiều gánh hàng rong xuất hiện khắp các tuyến đường. Sau 15 phút bắn pháo hoa, khi dòng người ngược xuôi ra về thì bỏ lại bãi rác thải khổng lồ, gây mất mỹ quan đô thị thành phố.
Hành động vứt rác xuống đường, hè phố đã tạo nên thói quen xấu, không chỉ cho các bạn trẻ mà còn cho cả thế hệ mai sau. Hành động đó sẽ làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong mắt du khách và bạn bè quốc tế và ý nghĩa của các dịp lễ hội vui xuân. Tất cả những thói quen này đều xuất phát từ 3 chữ “thiếu ý thức”. Sau tiếng cười và những hành vi xả thải rác như vậy, mọi người có biết rằng, các công nhân vệ sinh môi trường sẽ phải rất vất vả, nhọc nhằn để đi quét dọn, thu gom? 
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tại Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ rác bừa bãi, tàn thuốc, mẩu thuốc không đúng nơi quy định. Hành vi bỏ rác, chất thải không đúng quy định trên hè phố có khung hình phạt tiền từ 500.000 - 7.000.000 đồng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm nêu trên là hành vi chỉ xảy ra mang tính tức thời, việc phát hiện và xử lý cũng rất khó thực hiện. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân, khách vãng lai.
Trong khi đó, lực lượng phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không có thẩm quyền tạm giữ giấy tờ tùy thân của người vi phạm nên việc xử lý rất khó thực hiện. Có thể thấy rằng, khi việc thực thi luật pháp trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, khó khăn thì chỉ có thay đổi ý thức, thay đổi hành vi, hành động, ứng xử thân thiện với môi trường thì môi trường mới  xanh - sạch - đẹp.

Tin cùng chuyên mục