Chấn chỉnh để xe buýt hút khách

Trong vài năm gần đây, người dân TPHCM ghi nhận những nỗ lực của UBND TP, Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng và các nhà xe trong việc nâng chất lượng phục vụ của xe buýt, thu hút người dân tham gia phương tiện vận tải công cộng nhằm giảm xe cá nhân lưu thông trong TP. Tuy nhiên, nếu muốn được đông đảo người dân lựa chọn thì xe buýt phải là phương tiện thuận tiện, an toàn và văn minh.
Hành khách phải đứng giữa trời nắng chờ xe buýt trên xa lộ Hà Nội (quận 2)
Hành khách phải đứng giữa trời nắng chờ xe buýt trên xa lộ Hà Nội (quận 2)

Để đạt được điều đó, cần phải quan tâm chấn chỉnh, nâng cấp toàn bộ hệ thống, từ điểm dừng đón trả khách phù hợp, nhà chờ khang trang, xe chất lượng tốt, nhân viên nhiệt tình, vui vẻ, giờ giấc đảm bảo. 

Theo số liệu của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, hiện nay trên địa bàn TPHCM có hơn 4.000 điểm dừng xe buýt để đón trả khách, nhưng chỉ có 500 nhà chờ. Như vậy, chỉ 1/8 điểm dừng xe buýt đón trả khách có nhà chờ có mái che và ghế ngồi, hơn 3.500 điểm còn lại thì hành khách đành phụ thuộc thời tiết, mát mẻ được nhờ mà mưa, nắng thì phải chịu. Nhiều tuyến đường không có nổi một nhà chờ xe buýt, như đường Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của, Nguyễn Thị Định (quận 2), Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp (quận 9)… 

Dọc tuyến xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức) là tuyến có lượng hành khách đông nhất, xe buýt chủ yếu vận chuyển sinh viên từ làng đại học tại Thủ Đức về trung tâm TP, nhưng lại là tuyến chưa được đầu tư đúng mức về nhà chờ xe buýt. 

Tại nhiều điểm dừng xe buýt đón trả khách, hành khách phải đội nắng, đội mưa đứng ở lề đường chờ, nhất là quanh khu vực Suối Tiên. Nhìn hình ảnh ấy có thể thấy, chuyện xe buýt thành phương tiện lưu thông chính của người dân như kỳ vọng của chính quyền TPHCM vẫn còn xa lắm.

Ngoài ra, còn nhiều điểm dừng xe buýt gây khó cho hành khách. Như các điểm dừng đón xe buýt trên đường Võ Văn Kiệt đều được đặt ở dải phân cách xanh ở giữa đường. Người lên xuống xe buýt đều phải băng qua dòng xe cộ để vào điểm dừng. Hay như trên đường Võ Thị Sáu, có nhiều trạm, hành khách phải đứng hẳn xuống lòng đường khi lên xuống xe, vì điểm dừng xe buýt được bố trí ngay phần vỉa hè trồng hoa cỏ. 

Ngoài ra cũng có những điểm dừng đón trả khách được bố trí bất hợp lý như gần ngã ba, ngã tư. Điểm dừng xe buýt trước số nhà 400 Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2) được bố trí gần giao lộ đường 39 và đường Nguyễn Duy Trinh. Khi xe buýt dừng đón trả khách, nhiều xe trong đường 39 phóng sang, đụng phải xe hơi hoặc xe máy đi phía sau xe buýt phóng lên, vô cùng nguy hiểm. 

Vì vậy khi bố trí điểm dừng xe buýt thì nên khảo sát, chọn vị trí phù hợp, có vỉa hè thông thoáng, không bị vướng mảng xanh; có bố trí nhà chờ để đảm bảo che nắng, che mưa cho hành khách. Cần phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất để đảm bảo đem lại sự hài lòng cho người dân, có như vậy mới mong thu hút được người dân đi lại bằng xe buýt.

Tin cùng chuyên mục