Chậm ban hành quyết định tách thửa mới

Sau hơn một năm xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014 về diện tích tối thiểu để tách thửa, với sự góp ý rất nhiều lần của các quận huyện, sở ngành nhưng đến nay UBND TPHCM vẫn chưa chính thức thông qua quyết định mới.  Trong khi đó, người dân,  doanh nghiệp mong mỏi ngóng chờ...

 

Một số khu đất được tách thửa trong thời gian qua
Một số khu đất được tách thửa trong thời gian qua
Nhiều điểm cần làm rõ

Trước kia, dự thảo quy định tách thửa cho 2 trường hợp “đất trống” và “đất có nhà” nhưng tại dự thảo mới nhất không còn phân biệt 2 trường hợp trên, chỉ quy định diện tích tối thiểu để tách thửa. Theo đó, diện tích tối thiểu của đất trống lớn hơn đất có nhà hiện hữu. Theo dự thảo mới, đất có nhà ở hiện hữu là trường hợp “nhà ở tạo lập trước khi Quyết định 33 có hiệu lực thi hành (tức trước ngày 15-10-2014) và phải được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận”. Góp ý cho dự thảo, Sở Tư pháp TP cho hay, quy định này chưa rõ về cơ sở pháp lý: “Luật Đất đai không quy định nội dung này. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “thửa đất có nhà hiện hữu” không thuộc thẩm quyền UBND TP quy định chi tiết”. Do đó, Sở Tư pháp đề nghị bỏ nội dung này, đồng thời điều chỉnh theo hướng chỉ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở, không phân thành 2 trường hợp đất có nhà ở và đất trống như dự thảo. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) đề xuất diện tích tối thiểu khi tách thửa tại khu vực 1 là 36m² và 45m² (tùy thuộc lộ giới đường nhỏ hay lớn hơn 20m). Tại khu vực 2, con số này là 50m² và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m, không phân biệt đất trống hay đất có nhà hiện hữu. Theo Horea, quy định như vậy sẽ làm đơn giản các thủ tục hành chính, bớt quy trình công tác xét duyệt của cơ quan Nhà nước, tránh tình trạng người dân xây dựng nhà tạm để đối phó… 

Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM vẫn là điều chỉnh không phân biệt đất ở có nhà hay đất trống và chỉ quy định diện tích tối thiểu của từng khu vực. Nhưng sẽ “lựa chọn diện tích tách thửa theo trường hợp tách thửa đất trống”. Cụ thể, tại khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) diện tích tối thiểu là 50m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m). Tại khu vực 2 gồm các quận huyện còn lại, diện tích thửa đất tách ra và còn lại phải tối thiểu là 80m² và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.

Người dân chờ, các sở vẫn… chưa thống nhất

Trong lúc dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33 chưa được chính thức thông qua, nhưng theo lãnh đạo Sở TN-MT, các quận huyện vẫn áp dụng các quy định cũ chứ không dừng lại chờ đợi quyết định mới, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng công việc của người dân, doanh nghiệp. Mặc dù chỉ đạo như vậy nhưng trên thực tế, nhiều quận huyện vẫn “án binh bất động”. Anh N. (ngụ tại huyện Hóc Môn) cho biết, gần 1 năm qua anh nộp hồ sơ xin tách thửa nhưng không được giải quyết, mọi việc dậm chân tại chỗ. Theo lãnh đạo TP, việc thay đổi một số nội dung tại Quyết định 33 hiện hành là nhằm hạn chế nhiều doanh nghiệp “núp bóng” tách thửa để phân lô bán nền. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều địa phương cứng nhắc áp dụng, có ý chờ đợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. 

Trong khi đó, tại các hội thảo góp ý cho dự thảo quy định tách thửa, câu chuyện có giới hạn diện tích tách thửa hay không và giới hạn ở mức nào vẫn còn là cuộc tranh luận! Dự thảo cũ quy định tách thửa từ 2.000m2 trở lên phải lập dự án, sau đó, Sở Tư pháp có ý kiến quy định này chưa rõ cơ sở pháp lý để bắt buộc người sử dụng đất thực hiện. Do đó, dự thảo mới nhất, Sở TN-MT không đưa quy định trên vào nhưng lại quy định giới hạn diện tích được tách thửa “dưới 2.000m2”. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Tư pháp, chưa có cơ sở để giới hạn diện tích thửa đất tách thửa dưới 2.000m2 và đề nghị bỏ nội dung trên. “Nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng việc tách thửa để chuyển nhượng thu gom đất, lập phương án tách thửa nhỏ, kinh doanh bất động sản hình thành các khu dân cư chưa đảm bảo hạ tầng, đề nghị UBND TPHCM giao Sở TN-MT có văn bản đề xuất Bộ TN-MT sửa đổi, bổ sung các văn bản ở Trung ương để TP có cơ sở thực hiện”, đại diện Sở Tư pháp TP kiến nghị. 

Cơ sở để quy định đất ở trên 2.000m2 khi tách thửa phải lập dự án là xuất phát từ thực tế, điều kiện của TP vì thời gian qua có nhiều khu đất diện tích từ 2.000m2 trở lên đã tách thửa đều hình thành đường giao thông và khu nhà ở không đồng bộ, chưa kết nối hạ tầng, không đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch như đường giao thông nhỏ, không có cây xanh, công trình xã hội. Qua rà soát thực tế, Sở TN-MT cho biết, dự thảo theo hướng chỉ giải quyết tách thửa đất ở có diện tích dưới 2.000m2 là phù hợp với điều kiện, tập quán và yêu cầu đặt ra cần phải quản lý của TP. Những vấn đề còn tranh luận này đang được đặt lên bàn lãnh đạo TP, vấn đề là trong khi quy định còn chậm ban hành ngày nào thì nhiều người dân có nhu cầu chính đáng cần tách thửa vẫn phải xếp hàng… chờ. 
  
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho rằng điều kiện về diện tích tối thiểu để tách thửa thực ra gắn rất chặt với kế hoạch sử dụng đất, cũng như quy hoạch tại các địa phương… Nếu có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai như điều kiện về hạ tầng, kết nối giao thông… thì không để nhiều hệ lụy mà phải dẫn đến việc thay thế quyết định 33 như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục