Cầu Vàm Cống - Kết nối trung tâm đồng bằng

Khởi công vào tháng 9-2013, qua gần 6 năm xây dựng, đến nay cầu Vàm Cống chính thức được khánh thành, thông xe để nối liền đôi bờ sông Hậu, giữa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Đây là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm Mê Công và là cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu.
Cầu Vàm Cống mới khánh thành. Ảnh: THU HÀ
Cầu Vàm Cống mới khánh thành. Ảnh: THU HÀ

Góp phần thu hút đầu tư

Nhìn tổng thể từ bản đồ của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cầu Vàm Cống nằm trong trục giao thông xuyên vùng Đồng Tháp Mười, kết nối với TPHCM qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, tạo mắt xích trên đường Hồ Chí Minh phía Nam, góp phần thu hút đầu tư, đem lại động lực phát triển cho các tỉnh thành ĐBSCL.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cầu Vàm Cống là mong mỏi bao đời của người dân ĐBSCL. Cây cầu đã hoàn thành sứ mệnh kết nối đôi bờ sông Hậu, kết nối giao thông trong khu vực với TPHCM và các vùng khác của cả nước”.

Cầu Vàm Cống sẽ góp phần vận chuyển mặt hàng nông - thủy sản chủ lực của miền Tây lên TPHCM thuận tiện; giảm tải áp lực cho quốc lộ 1A và tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ĐBSCL.

Đồng Tháp là một trong những địa phương được triển khai thực hiện Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công, nhất là có đến 2 cây cầu huyết mạch (Cao Lãnh và Vàm Cống).

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, là địa phương thụ hưởng công trình, tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt vận hội này, bổ sung giải pháp phát triển kinh tế- xã hội phù hợp, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư để tạo xung lực mới đưa Đồng Tháp chuyển mình vươn lên cùng các địa phương khác trong vùng.

Từ khi có 2 dự án cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, Đồng Tháp thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Riêng Hội nghị Xúc tiến đầu tư cuối năm 2017, tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp tại Đồng Tháp là 24.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 11 dự án, với tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp công nghệ cao ở huyện Lấp Vò và hiện đã có nhà đầu tư khảo sát xây dựng nhà máy chế biến nông sản.

Đồng thời, định hướng phát triển kinh tế theo hướng kết nối đô thị từ TP Cao Lãnh đến huyện Lấp Vò, kết nối các điểm du lịch trên tuyến nối với nhau để tạo sức bật phát triển kinh tế.

Tạo hệ thống giao thông liên hoàn

Nhìn nhận những mặt hạn chế trong hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cho biết, mặc dù Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn, triển khai trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng phải khẳng định hệ thống hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của vùng ĐBSCL, cản trở sự phát triển của khu vực.

Do đó, việc khánh thành cầu Vàm Cống có ý nghĩa rất lớn, giúp kết nối đôi bờ, người dân không còn cảnh lụy phà, hàng hóa của doanh nghiệp có thể lưu thông dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Cây cầu này đem lại động lực rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL; tạo điều kiện cho du khách, nhà đầu tư đến vùng nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Đến quý 1-2020, sẽ khánh thành tuyến cao tốc đoạn cầu Vàm Cống- Rạch Sỏi, như vậy từ TPHCM đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) cơ bản được thông tuyến, tạo nên trục đường mới, giảm tải quốc lộ 1, tạo động lực để địa phương trong vùng phát triển”.

Đây là trục đường mang tính chiến lược, khai thác tiềm năng, thế mạnh các tỉnh Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, để tăng cường kết nối, khai thác tốt hạ tầng giao thông khu vực cầu Vàm Cống, thời gian tới Bộ GTVT và UBND tỉnh An Giang sẽ sớm khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên, từ nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng dôi dư của dự án cầu Vàm Cống. Bộ còn có đề án, kế hoạch hình thành trục cao tốc ngang, Châu Đốc - Long Xuyên - Sóc Trăng. 

Tuy nhiên, để tạo được trục giao thông liên hoàn nối các tỉnh miền Tây từ TPHCM đến Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nhất thiết phải hoàn tất một cây cầu nữa là cầu Đại Ngãi.

Tin cùng chuyên mục