Cấu trúc đề Toán giống đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT

Đề thi Toán có nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12, cấu trúc đề giống 3 đề mẫu mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.

Chiều 22-6, thí sinh cả nước đã kết thúc môn thi thứ 2, môn Toán với thời gian làm bài 90 phút.

Đây là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT quyết định đưa hình thức thi trắc nghiệm môn Toán vào kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy nhiều thí sinh không khỏi lo lắng dù đã được ôn tập và làm quen với đề thi minh họa.

Tại điểm thi Trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, thí sinh  Nguyễn Văn Công cho biết, mã đề thi Toán của em khá dài và có tính phân hóa cao, vì vậy, em chỉ  tự tin làm 1/5 đề, số còn lại không chắc chắnlắm.

Trong khi đó, theo nhận xét của một số thí sinh thì đề Toán có sự phân hóa tốt. Đúng tính chất đề minh họa lần 3 mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Với dạng đề này, học sinh trung bình có thể làm được 5 điểm, còn để làm được trên 8 điểm đòi hỏi học sinh phải giỏi và có kỹ năng tốt.

“Đề có nhiều bài, nếu không biết phân tích loại trừ thì mất nhiều thời gian mới tìm ra đáp số”, thí sinh Mai Quang Duy (Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội) cho biết.

Cấu trúc đề Toán giống đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT ảnh 1 Thí sinh tại Hội đồng thi Trường Lương Văn Can, quận 8, TPHCM trao đổi sau khi thi môn Toán chiều 22-6-2017. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Hầu hết thí sinh nhận xét, đề Toán có nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12, cấu trúc đề giống 3 đề mẫu mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.

Các câu hỏi được thiết kế rất rõ theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Các câu hỏi từ câu 1-10 khá dễ dàng vì được thiết kế dạng câu hỏi nhận biết. Từ câu 11-31,32 thuộc mức độ thông hiểu, thí sinh cần xử lý thêm một 2 bước là có đáp án.

Các câu hỏi từ 33 trở đi có sự đan xem giữa vận dụng, thông hiểu, vận dụng cao mang tính tương đối.

Từ câu 45 đến 50 là những câu vận dụng cao với độ khó lớn dùng để phân loại giữa học sinh thật xuất sắc.

Các câu hỏi thực tế cũng không quá bất ngờ với thí sinh như: lãi suất ngân hàng, chuyển động...

Các giáo viên dạy Toán cũng nhận xét, với đề thi năm nay, đề thi trắc nghiệm năm đầu tiên như vậy là hợp lý. Tâm lý chung của học sinh là không bất ngờ bởi cấu trúc và độ khó tương đương thậm chí có phần nhẹ hơn so với 3 đề trước đó của Bộ GD-ĐT. 

Đề Toán được đánh giá chung là không quá dài, khó để làm khó học sinh, vừa sức.

Đề Toán có tổng cộng 24 mã đề khác nhau. Kết thúc kỳ thi, Bộ GD-ĐT mới công bố toàn bộ các mã đề thi.

Hơn 16 giờ ngày 22-6, thí sinh tại TPHCM kết thúc môn thi Toán.

Theo nhận định của một số thí sinh tại điểm thi THPT Trần Đại Nghĩa, đề thi vừa sức, độ phân hóa cao theo trình độ, năng lực của người học.

Tuy lần đầu làm đề thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng thí sinh không bỡ ngỡ vì đã được ôn luyện kỹ lưỡng. Với mã đề thi số 115, thí sinh Cẩm Hà (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) nhận định rằng, đúng như cơ cấu đề thi minh họa của Bộ, đề thi có 30 câu dễ và 20 câu khó. Và thí sinh này làm được 40 câu, còn 10 câu cuối liên quan đến hình học, đại số và gắn với toán thực tiễn nên không chắc ăn lắm.

Với thí sinh Phú Thứ thì tự tin với kết quả làm bài. Theo thí sinh này đề thi vừa sức, khá hay và em làm được 90% câu hỏi, còn khoảng 6 câu cuối khó không làm được.

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ Trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du nhận định: “Các mã đề thi môn Toán ra tương tự mẫu đề đã chỉnh sửa lần thứ ba mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Cấu trúc câu hỏi phân bố từ dễ đến khó, trong đó có một số câu vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy nghĩ kỹ mới làm được. 

Với thí sinh nắm vững kiến thức, học trung bình khá thì có thể đạt điểm trung bình. Còn những thí sinh có năng lực, học khá thì có thể đạt điểm 6-7”.

Tin cùng chuyên mục