Câu chuyện từ Bacolod

Đội tuyển bóng đá Philippines đón tiếp đội tuyển Việt Nam ở thành phố Bacolod. Sân Panaad, nơi tổ chức trận đấu, chỉ ở tầm “cấp huyện” nếu so với sức chứa và trang thiết bị. 

Sau 13 năm kể từ SEA Games 2005 được chọn làm nơi tổ chức các trận bóng đá quốc tế, đến nay sân Panaad vẫn không có gì thay đổi.

Đơn giản là vì ở Philippines, bóng đá không phải là môn thể thao phổ biến. Thành phố Bacolod được chọn làm sân nhà của Philippines tại AFF Cup 2018 vì có số lượng lớn người dân hâm mộ bóng đá. Điều này có nghĩa, dù thành tích của bóng đá nước nhà đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây nhưng không vì thế mà bóng đá có chỗ đứng cao hơn tại Philippines. Trước trận lượt đi bán kết với Việt Nam, nhiều cầu thủ Philippines còn phải kêu gọi người dân đến ủng hộ đội tuyển dù sức chứa của sân chỉ vào khoảng 8.000 chỗ.

Nhìn từ Bacolod mới thấy bóng đá Việt Nam hạnh phúc như thế nào khi là môn thể thao được đông đảo người dân hâm mộ với hàng chục sân bóng có chất lượng và sức chứa hơn nhiều lần sân Panaad. Cơn sốt vé từ đầu AFF Cup 2018 đến nay, càng cho thấy vị trí của bóng đá Việt Nam đối với xã hội, chẳng kém bất kỳ nền bóng đá phát triển nào trên thế giới.

Vậy nhưng, đó không phải là câu chuyện chỉ có những gam màu vui, tự hào. Các môn thể thao phổ biến nhất tại Philippines là quyền Anh và bóng rổ. Cả 2 môn chơi này đều vươn đến tầm châu Á. Bóng rổ Philippines có giải nhà nghề sớm nhất thế giới, sau Mỹ và họ đã giành 4 HCV trong lịch sử Asiad, chỉ xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc. Với môn quyền Anh, họ cũng có 15 HCV Asiad, cùng với Thái Lan là những nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào tốp 10 của lịch sử Á vận hội. Nhắc đến quyền Anh Philippines, không ai không biết huyền thoại Manny Pacquiao, người hiện đang đi theo con đường chính trị thông qua sự nổi tiếng trong sự nghiệp của mình. Philippines không mạnh ở 2 môn thể thao trên nhờ yếu tố hình thể đặc biệt nào cả. Nó phổ biến và phát triển nhờ có phong trào rộng, điều kiện tập luyện sẵn có ngay trong hệ thống nhà trường và hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Tất cả đều xuất phát từ sự yêu thích của người dân. Nói cách khác, họ biến các lợi thế thành những thành công cụ thể.

13 năm trước, ngay tại Bacolod, bóng đá Việt Nam sở hữu một thế hệ tuyệt vời, thậm chí còn có chất lượng không thua kém gì thế hệ hiện nay. Bây giờ trở lại Bacolod, trình độ của bóng đá Việt Nam cũng không tiến thêm được quá nhiều. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho việc giậm chân tại chỗ, bao gồm cả scandal bán độ tại Bacolod ngày ấy, nhưng sự thật là chúng ta vẫn chưa thể đưa môn thể thao số 1 của mình vươn tầm.

Đó chính là câu chuyện cần được nghiền ngẫm khi nhìn từ Bacolod. Những môn thể thao thế mạnh vẫn được phát triển, trong khi bóng đá với người Philippines thì vẫn chỉ được quan tâm quanh quẩn ở Bacolod nhưng thành tích đội tuyển của họ thì đã khá hơn trước, đang được xếp ngang tầm với Việt Nam. Ngược lại, dù chiếm vị trí độc tôn, được đầu tư không biết bao tiền của, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa vượt qua được những giới hạn của mình. Số sân bóng phong trào, các trung tâm đào tạo cầu thủ địa phương tại Việt Nam chắc chắn không ít hơn những sân bóng rổ hay nhà tập quyền Anh tại Philippines. Nhưng sự phát triển của bóng đá chúng ta dường như thiếu sự tập trung, cái gì cũng có nhưng lại manh mún. Từ bóng đá học đường, đến hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Từ cơ sở vật chất cho đến việc vận động và duy trì các nguồn lực xã hội.

Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đang lãng phí quá nhiều những yếu tố vô cùng thuận lợi mà nó có được chỉ vì thiếu những chiến lược có tầm nhìn xa cũng như sự kiên trì, dũng cảm của những người làm bóng đá.

Tin cùng chuyên mục