Cát tặc vẫn âm ỉ trên sông Đồng Nai

Nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, sau một thời gian tạm lắng, gần đây “nóng” trở lại. Tuy không rầm rộ và công khai như trước, nhưng cát tặc vẫn âm ỉ và khó kiểm soát.

Tại hội nghị triển khai công tác kiểm tra, truy quét, bảo vệ lâm sản và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2019 diễn ra mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Kiểm tra, truy quét, bảo vệ lâm sản và khoáng sản tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra khá phức tạp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép, gây tác động đến môi trường, thất thoát tài nguyên, bức xúc dư luận.

Các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa là những địa phương xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Phòng PC05), Công an Đồng Nai, trong năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 219 vụ và khởi tố 1 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính hơn 1,9 tỷ đồng, tịch thu 55 ghe cát và hơn 600m3 cát.

Trong đó, lớn nhất là vụ ngày 23-8-2018, Phòng Cảnh sát hình sự (Phòng PC02) phát hiện, bắt giữ 14 ghe kèm theo đầu hút cát tại khu vực Vàng Cái Sức (huyện Nhơn Trạch). 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã phát hiện 100 vụ, đang chuyển cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (Phòng PC03) xem xét khởi tố 1 vụ, xử phạt hành chính số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, tịch thu 19 ghe bơm hút cát, tương đương hơn 400m3 cát. 

Cát tặc vẫn âm ỉ trên sông Đồng Nai ảnh 1 Tình trạng sạt lở do khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Ghi nhận thực tế ở đoạn sông chảy qua xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, cho thấy có ít nhất 5 bãi cát đang hoạt động, nhiều khu vực bờ sông biến thành bờ vực dựng đứng, đất đai hoa màu của người dân bị kéo tuột xuống sông, vườn tược nhiều nơi bị lở sâu hàng chục mét. Có nơi nhà dân bị xô đổ xuống sông, còn lại những bức tường loang lổ. Nhiều gia đình phải bỏ nhà dọn đi nơi khác để bảo vệ tính mạng.

“Cứ khoảng 2 giờ sáng là cát tặc lại bơm ầm ầm, có nhiều đêm cảm giác như nhà đang rung rinh do ảnh hưởng từ những tàu hút cát dưới sông, nhưng chẳng biết phải làm sao. Khi có lực lượng chức năng thì họ không dám, nhưng khi không có ai họ ngang nhiên hút cát”- ông Nguyễn Văn Phong (56 tuổi) bức xúc.

Tương tự, nhiều hộ dân sinh sống 2 bên bờ sông Đồng Nai, đoạn đi qua phường Bửu Long, TP Biên Hòa, hiện cũng đang sống trong tình trạng thấp thỏm lo lắng sẽ bị sạt lở đất và nhà do tình trạng bơm hút cát trái phép.

Hàng đêm, các ghe bơm hút cát lậu vào sát bờ hoạt động, từ khoảng 12 giờ đêm cho đến gần sáng. Qua tìm hiểu cho thấy, các đối tượng bơm hút cát trái phép không hoạt động liên tục ở một vị trí mà thường xuyên thay đổi địa bàn để tránh gây bức xúc cho người dân cũng như sự theo dõi của các cơ quan chức năng.

Mỗi vị trí, các đối tượng hoạt động không quá 3 đêm, sau đó lại chuyển vị trí khác. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 4 vụ khai thác trái phép ở khu vực này.

Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho biết, từ cuối năm 2019, lực lượng công an huyện đã lập 3 tổ phản ứng nhanh với 3 ca nô tuần tra, kiểm soát đoạn sông qua huyện Vĩnh Cửu 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ khai thác cát trái phép.

“Nhờ lực lượng chức năng thực hiện nhiều kế hoạch tuần tra, truy đuổi nên tình trạng khai thác cát trái phép đã được hạn chế”, ông Trần Trung Nhân nói. 

Theo lãnh đạo Phòng PC05, việc đấu tranh với các hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi phương thức hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi (chủ yếu hoạt động vào ban đêm) và khi bị phát hiện thì chúng ngay lập tức đánh chìm tàu và nhảy xuống sông để thoát thân.

Hơn nữa, việc trục vớt ghe, tang vật vi phạm diễn ra hết sức khó khăn vì nước sâu, chảy xiết, rất nguy hiểm và Đồng Nai hiện chưa có bến bãi đủ chuẩn để tạm giữ các phương tiện vi phạm cho đảm bảo. Ngoài ra, quy định pháp luật hiện còn nhiều khe hở nên đối tượng đã lợi dụng lách luật để tiếp tục hoạt động khai thác cát lậu.

Có thể nói, cuộc chiến với nạn cát tặc trên sông Đồng Nai vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó người dân mong muốn các ngành chức năng của tỉnh cần có kế hoạch tăng cường công tác tuần tra công khai kết hợp các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm đối với các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển cát trái phép

Chỉ đạo công an điều tra làm rõ

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Ngô Thị Viện (thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định) cho biết đã đề nghị cơ quan chức năng huyện Phù Cát sớm điều tra làm rõ việc chồng mình là ông Nguyễn Như Ý bị 2 đối tượng tấn công nhập viện vào đầu tháng 5-2019.

Theo phản ánh của bà Viện, trước đó, ngày 9-5, ông Ý (52 tuổi) bị 2 đối tượng là Nguyễn Hữu Tài và Nguyễn Đình Đại (cùng trú tại thôn Đại Khoan) đánh rách mí mắt phải, sưng vùng mặt, đầu và ổ bụng... phải nhập viện cấp cứu. Sở dĩ ông Ý bị đánh là do trước đó gia đình ông đã tố cáo, ngăn cản việc khai thác cát trái phép của Nguyễn Hữu Tài ở suối Đập Làng (thôn Đại Khoan). 

Cùng ngày, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), cho biết, vụ việc ông Nguyễn Như Ý bị đánh nhập viện có liên quan đến một số đối tượng khai thác cát ở suối Đập Làng. Hiện địa phương đang chỉ đạo rất quyết liệt cơ quan CSĐT công an huyện khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc. Nếu đủ chứng cứ, hồ sơ thì truy tố, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo SGGP có bài viết “Tố cáo cát tặc, bị chủ mỏ cát đe dọa”, phản ánh vụ việc ông Nguyễn Hữu Tài khai thác cát trái phép ở suối Đập Làng và nhiều lần đe dọa đến tính mạng gia đình ông Nguyễn Như Ý. Sau đó, Tài cùng một đối tượng khác đã hành hung ông Nguyễn Như Ý. 

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục