Cấp nước thông minh qua khoa học công nghệ

Cấp nước thông minh là một trong những định hướng mang tính chiến lược được ngành cấp nước TPHCM đề ra và thực hiện trong giai đoạn tới.

Yêu cầu mang tính cốt lõi của cấp nước thông minh là phải ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường… ngay từ khâu vận hành, sản xuất, quản lý đến khâu phân phối nước. Vấn đề đặt ra là ứng dụng khoa học công nghệ của ngành cấp nước TPHCM đang ở mức độ nào? Trong kế hoạch phát triển, ngành cấp nước sẽ có những đột phá gì về khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới?  

Cấp nước thông minh qua khoa học công nghệ ảnh 1 Sawaco đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao

Vượt khó 

Xuất phát điểm từ các hệ thống khai thác nước ngầm đầu tiên do người Pháp xây dựng vào những năm 1880, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay hệ thống cấp nước TPHCM đã được đánh giá có quy mô lớn nhất nước. Tuy nhiên, vào thời điểm hơn chục năm trước, ngành nước còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, năng lực cung cấp nước sạch còn hạn chế. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra lúc bấy giờ là phải nâng cao công suất cấp nước nhằm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho nhu cầu sử dụng của TP. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cấp nước vào thời điểm đó, mặc dù có quan tâm nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện.

Đến năm 2005, Công ty Cấp nước TPHCM chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV (Sawaco). Cột mốc này đã đánh dấu bước chuyển lớn của ngành cấp nước trong đầu tư phát triển, mở rộng năng lực cấp nước và đặc biệt là hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân TP. 

“Trong chặng đường phát triển, ngành cấp nước đã trải qua nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, cũng đã tạo được những bước phát triển và ghi dấu ấn rõ nét về hoạt động khoa học kỹ thuật công nghệ”, một lãnh đạo của Sawaco đánh giá. Giai đoạn 2005-2010, do nhu cầu cấp thiết của TP, ngành nước đã tập trung đầu tư phát triển về quy mô công suất để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch. Sawaco lúc này đối mặt với những thách thức về hạ tầng, công nghệ, quản lý vận hành, nguồn lực cho nhu cầu phát triển... Từ những có khăn đó, yêu cầu mới được đặt ra là phải xây dựng một định hướng chiến lược cho sự phát triển của hệ thống cấp nước bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

Trên cơ sở đó, Sawaco đã xác định tầm nhìn dài hạn và triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, quản lý vận hành hệ thống cấp nước. Qua đó, khắc phục tình trạng phát triển rời rạc, thiếu đồng bộ như các giai đoạn trước và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến được triển khai thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích cho Sawaco cũng như người dân TP. Có thể kể đến như về nguồn nước, Sawaco đã trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước online (độ pH, độ đục, độ mặn, ammonia…). Ứng dụng này giúp việc theo dõi được liên tục và cảnh báo kịp thời diễn biến chất lượng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước. Các giải pháp chiến lược cho nguồn nước thô cũng được áp dụng như di dời điểm khai thác nước thô, xây hồ trữ nước thô… cũng được nghiên cứu triển khai. 

Những ứng dụng đi đầu cả nước 

Đối với các hệ thống xử lý nước, Sawaco đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, nguyên vật liệu mới tiêu biểu như sử dụng chất keo tụ PAC lỏng thay thế cho phèn nhôm tại 2 nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp (năm 2009), đem lại hiệu quả rõ rệt về nâng cao chất lượng nước, giảm chi phí xử lý; bước đầu thí điểm thành công trên pilot công nghệ UBCF (giai đoạn 2013- 2017) có khả năng xử lý tốt nguồn nước nhiễm hữu cơ, ammonia… 

Riêng hệ thống quản lý vận hành các nhà máy nước được đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo năng lực vận hành theo hướng tự động, tiêu biểu như trang bị biến tần trung thế bơm nước sạch, trang bị hệ thống SCADA giúp công tác quản lý vận hành thuận lợi, giảm nhân công và chi phí hoạt động.

Còn với mạng lưới cấp nước, Sawaco đã hoàn thành việc phân vùng phục vụ cho các nhà máy nước; triển khai hệ thống GIS, góp phần nâng cao năng lực quản lý tài sản, năng lực quản lý vận hành trên mạng lưới cấp nước; thành lập Trung tâm Điều khiển phân phối (DCC) thực hiện công tác vận hành hệ thống truyền dẫn nước sạch và hiện đang triển khai dự án thành lập một trung tâm quản lý vận hành tổng thể hiện đại cho toàn mạng lưới cấp nước TP.

Cũng cần nói thêm, Sawaco là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng thành công giải pháp thi công đấu nối ống cấp nước, nhưng vẫn duy trì việc cung cấp nước ổn định, liên tục bằng công nghệ sử dụng van linestop (cắt tê không ngưng nước) ưu việt. Giải pháp này đã được ứng dụng di dời đường ống cấp nước DN2000 ở khu vực cầu Điện Biên Phủ khi thực hiện Dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào năm 2010. Cùng với đó, Sawaco cũng là đơn vị đầu tiên của ngành cấp nước ở Việt Nam ứng dụng thành công phần mềm thủy lực WATERGEMs với nhiều tính năng vượt trội, tạo bước ngoặt trong việc ứng dụng phần mềm mô phỏng thủy lực vào hoạt động quản lý, vận hành, quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước (thực hiện từ năm 2012) . 

Đối với công tác quản lý chất lượng nước, Sawaco đã thành lập Phòng Quản lý chất lượng nước từ nhiều năm trước, nhằm tăng cường tính độc lập khách quan và năng lực phân tích, kiểm tra chất lượng nước trên hệ thống cấp nước do Sawaco quản lý; đồng thời, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, thực nghiệm về chất lượng nước. Năm 2017, Phòng Thí nghiệm chất lượng nước của Sawaco đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho công tác phân tích, kiểm soát chất lượng nước như máy sắc ký khối phổ, xe thí nghiệm chất lượng nước lưu động… 

Căn bản đến nay, Sawaco đã xây dựng được đội ngũ nhân sự kỹ thuật công nghệ có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, sáng tạo. Qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp của hệ thống cấp nước TP.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sawaco, nhận định hoạt động phát triển khoa học công nghệ đối với ngành nước TP hiện nay, dù đã đạt được những thành quả quan trọng nhưng nhìn chung vẫn còn rời rạc, chưa đạt được như mong đợi. Để tạo đột phá trong mục tiêu phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu mới, Sawaco đã tính đến việc khảo sát, đánh giá và tư vấn quy hoạch xây dựng một trung tâm liên hợp đa chức năng của ngành nước tại quận 9, TPHCM. Cụ thể, tại địa phương này sẽ xây dựng 3 trung tâm, đó là Trung tâm điều hành hệ thống cấp nước TP, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và quản lý chất lượng nước và Trung tâm đào tạo ngành nước (trên cơ sở trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cấp nước hiện nay). Với việc thành lập khu liên hợp đa chức năng này, hoạt động của ngành cấp nước sẽ được vận hành khép kín, mang tính hiện đại.

"Sawaco sẽ sớm báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM xin chủ trương để sớm xây dựng kế hoạch, tổ chức các bước triển khai từ nay đến năm 2020. Cũng cần nói thêm, đề xuất này phù hợp với quy hoạch của TPHCM về xây dựng khu đô thị khoa học sáng tạo tại các quận 2, 9 và Thủ Đức”, ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sawaco khẳng định, sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch; phấn đấu hoàn thành mục tiêu quản lý, vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa; đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước cho TPHCM với chất lượng nước uống trực tiếp tại vòi vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục