Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Vướng thủ tục giải ngân vốn ngân sách

Để đảm bảo dự án thông tuyến cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng, phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước trị giá 2.186 tỷ đồng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý 'rót' cho dự án.

Sau 3 tháng tái khởi động, đến nay nhà đầu tư và các nhà thầu đã huy động hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, hiện nguồn tài chính của các nhà đầu tư gần như đã cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước trị giá 2.186 tỷ đồng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý “rót” cho dự án vẫn chưa thấy động tĩnh. Để đảm bảo dự án thông tuyến cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng, phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Chờ Tiền Giang và bộ ngành… xử lý

Tính đến nay, tiến độ dự án mới được 25% khối lượng thi công. Những ngày qua, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát… đã có nhiều “bước đi” tháo gỡ vướng mắc cho dự án.

Theo đó, Tiền Giang phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2-8-2019 với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu 14.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng.

Với hiện trạng dự án và cơ cấu nguồn vốn trên, có thể thấy vốn vay thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhưng “chìa khóa” thúc đẩy tiến độ lại nằm ở nguồn vốn 2.186 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất đối với nguồn vốn này là việc hoàn thành hồ sơ điều chỉnh dự án, quy trình, thủ tục giải ngân.

Theo kiến nghị của nhà đầu tư, Tiền Giang sau khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng dự án, cần sớm làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT để hoàn thiện thủ tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy nhanh thủ tục giải ngân 2.186 tỷ đồng, đồng thời xác định được thời gian mà nguồn vốn này sẽ hỗ trợ dự án. Theo phương án tài chính được UBND Tiền Giang phê duyệt vừa qua, ngân sách Nhà nước cần được giải ngân trong năm 2019 để giảm thiểu lãi vay, tăng tính khả thi của dự án. Nguồn vốn ngân hàng sẽ dùng trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào vận hành, khai thác tuyến cao tốc trong năm 2021.

Đã có giải pháp tháo gỡ thủ tục cho nguồn vốn vay

Khoảng 500 ngày nữa là hết năm 2020 chưa kể những ngày mưa lớn, rất khó thi công. Đã vậy, việc xử lý nền đất yếu - vốn là đặc thù đất đai Tây Nam bộ chiếm thời gian không nhỏ, nên vốn đến chậm một ngày nguy cơ dự án lỡ hẹn với người dân miền Tây càng hiển hiện.

Như đã nói ở trên, các cơ quan có trách nhiệm đã có nhiều “bước đi” tháo gỡ khó khăn cho dự án. Trên thực tế, đúng như Chủ tịch UBND Tiền Giang Lê Văn Hưởng khẳng định: UBND tỉnh Tiền Giang với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đã rất nỗ lực trong việc phối hợp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai dự án. Về tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan hữu quan để trả lời nhà đầu tư. UBND tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ và thành lập tổ công tác hỗ trợ, thương thảo hợp đồng để ký được phụ lục hợp đồng muộn nhất là cuối tháng 8 này, làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng cung cấp tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Nếu các ngân hàng thương mại thiếu vốn, NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án này. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngân hàng phải báo cáo ngay. NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cho đến khi dự án hoàn thành. Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tháng 2-2019, Bộ GTVT (với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi chuyển cho UBND Tiền Giang tại Văn bản số 1411/BGTVT-ĐTCT ngày 19-2-2019) đã báo cáo Chính phủ 20 điều kiện tiên quyết để giải ngân được vốn vay của ngân hàng. Trong đó, đặc biệt là yêu cầu “kể từ ngày ký hợp đồng không có bất kỳ thay đổi bất lợi đáng kể nào xảy ra”. Đây là điều kiện không phù hợp với bối cảnh nhiều dự án BOT hiện nay đang vướng hàng loạt thủ tục. Vì vậy, với sự chỉ đạo của NHNN nêu trên, hy vọng chủ đầu tư sẽ tháo gỡ được nút thắt quan trọng từ ngân hàng thương mại. Vấn đề cốt yếu còn lại chính là sớm giải ngân vốn ngân sách Nhà nước.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, khẳng định: Nếu ngân sách Nhà nước được giải ngân kịp thời, nhà đầu tư sẽ quyết tâm huy động tất cả nguồn lực tự có để đưa dự án thông tuyến vào năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng. Trong trường hợp hết năm 2019, dự án vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn từ ngân sách, đồng thời các ngân hàng chưa hoàn thành việc cho vay, đơn vị buộc phải đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng cho tạm dừng dự án để đàm phán lại thời gian hoàn thành và xử lý nguồn vốn khác trước khi tiếp tục thi công.

Tin cùng chuyên mục