Cạnh tranh công bằng trong tuyển dụng

Trong 2 ngày 18 và 19-7, tại TPHCM đã diễn ra kỳ thi tuyển dụng giáo viên khối các trường THPT và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TP. 
Giám khảo kiểm tra hồ sơ ứng viên trước phần thi thực hành
Giám khảo kiểm tra hồ sơ ứng viên trước phần thi thực hành

Năm học 2019-2020 là năm thứ 2 TPHCM xét tuyển viên chức đối với những ứng viên không có hộ khẩu tại thành phố. Quy định này được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đồng thời tạo cơ hội cạnh tranh công bằng cho tất cả ứng viên.

“Cởi trói” yêu cầu hộ khẩu

Tham dự buổi thi thực hành vào sáng qua (18-7), Phan Nguyễn Hương Giang, ứng viên đến từ TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM chuyên ngành Sinh học. “Em quyết định nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên ở TPHCM vì cơ hội việc làm nơi đây rộng mở. Nếu may mắn trúng tuyển, em sẽ được tiếp cận nhiều phương pháp dạy học mới, điều kiện cơ sở vật chất ổn định hơn, giúp giáo viên có thể nâng cao tay nghề”, Hương Giang bày tỏ. Cùng suy nghĩ, Đậu Thị Minh, ứng viên đến từ tỉnh Nghệ An, mong muốn gắn bó lâu dài với công việc giáo viên ở TPHCM. Minh cho biết đã tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của nhiều địa phương. “Thi tuyển biên chế giáo viên ở đâu cũng có tính cạnh tranh, với một thành phố lớn như TPHCM sẽ thêm nhiều áp lực. Tuy nhiên, em vẫn mạnh dạn đăng ký vì muốn có cơ hội trải nghiệm và thử sức”, cô cử nhân vừa tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành Sinh học năm 2019 cho biết. Còn Nguyễn Thị Trang, ứng viên đến từ tỉnh Bình Dương, chia sẻ bản thân rất vui mừng khi TPHCM tổ chức xét tuyển công bằng cho tất cả ứng viên có hoặc không có hộ khẩu thành phố, tạo cơ hội cho các ứng viên tự tin thể hiện năng lực.

Năm nay, vòng thi thực hành ghi nhận sự tham gia của nhiều ứng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Nguyễn Thành Công, giáo viên từng có 4 năm đi dạy theo hình thức ký hợp đồng tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), cho biết quyết định nộp hồ sơ thi tuyển viên chức giáo viên ở TPHCM của em được xem là khá liều lĩnh, bởi mặc dù chỉ tiêu tuyển dụng của thành phố cao hơn ở tỉnh nhưng tỷ lệ chọi cũng nhiều hơn. “Chuyên ngành của em là Toán học, năm nay rơi vào tốp 3 môn học có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất. Trước mắt, em sẽ nỗ lực hết mình cho kỳ thi tuyển. Nếu năm nay không trúng tuyển, em sẽ tiếp tục tìm cơ hội vào năm sau”, ứng viên này cho biết. Còn theo cô Đặng Kim Xuyến, giáo viên đã có 10 năm đi dạy và trúng tuyển biên chế ở tỉnh An Giang, ngoài lương và các khoản phụ cấp chung cho giáo viên cả nước, TPHCM còn áp dụng thêm nhiều quy định về chính sách ưu đãi nên có sức hút đặc biệt với các ứng viên hộ khẩu tỉnh. 

Tăng tỷ lệ cạnh tranh 

Đánh giá lại công tác tuyển dụng 2 năm vừa qua, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết trong kết quả tuyển dụng năm học 2018-2019 thì số ứng viên không có hộ khẩu TPHCM chiếm khoảng 40%. Sau một năm học, chỉ có 10 giáo viên xin nghỉ việc do gặp khó khăn trong việc đi lại, công tác xa gia đình, thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu tìm nhà ở, tìm được việc khác có thu nhập cao hơn… Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT đã triển khai chương trình nhà ở cho tất cả cán bộ, giáo viên trong ngành, nhằm giúp các thầy cô có cơ hội sở hữu nhà ở, ổn định đời sống và yên tâm công tác. Theo đó, giáo viên được vay ưu đãi thời hạn 20 năm để mua các dự án nhà ở, hoặc vay từ nguồn quỹ xã hội, mức vay tối đa lên đến 900 triệu đồng/người. 

Năm học 2019-2020, TPHCM tuyển 531 viên chức, trong đó có 443 giáo viên. Qua thống kê, đã có hơn 1.700 hồ sơ ứng viên đăng ký tham gia xét tuyển. Sau khi trải qua vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn hồ sơ, có 1.362 ứng viên đủ điều kiện tiếp tục tham dự vòng 2, thực hành kiểm tra năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ. Trong đó, một số môn học có tỷ lệ “chọi” khá cao như Toán học (303 ứng viên dự tuyển/54 chỉ tiêu xét tuyển), Hóa học (205/27), Vật lý (176/18)... Ngoài ra, một số môn học khác như Tin học, Mỹ thuật, Tiếng Pháp, số ứng viên đủ điều kiện tham dự vòng 2 khá thấp. Cụ thể, môn Tin học tuyển 28 chỉ tiêu giáo viên nhưng chỉ có 27 ứng viên đủ điều kiện tham dự vòng thi thực hành. “Hiện nay, khó khăn duy nhất trong xét tuyển là việc rà soát và xác minh các văn bằng, chứng chỉ theo quy định. Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát ở vòng xét tuyển hồ sơ, nhưng vẫn quy định các đơn vị trước khi ký hợp đồng tuyển dụng phải tiếp tục xác minh văn bằng, chứng chỉ của ứng viên”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

Theo các ứng viên, một trong những nguyên nhân khiến năm nay tỷ lệ cạnh tranh biên chế giáo viên ở các thành phố lớn tăng cao là do quy định mới của Luật Giáo dục vừa ban hành, bắt đầu từ năm học 2020-2021, ứng viên đủ điều kiện thi tuyển viên chức phải có bằng cử nhân sư phạm, chỉ xem xét trường hợp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với những môn còn thiếu chỉ tiêu tuyển dụng. Do đó, năm học 2019-2020 được xem là cơ hội rộng mở đối với những ứng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước.

Tin cùng chuyên mục