Cảnh giác bệnh nguy hiểm ở trẻ

Thời tiết vào hè cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo các bệnh dịch tiêu chảy, viêm não, đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.
Cảnh giác bệnh nguy hiểm ở trẻ

Thời tiết vào hè cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo các bệnh dịch tiêu chảy, viêm não, đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.

Cảnh giác bệnh nguy hiểm ở trẻ ảnh 1

Khám bệnh cho trẻ


Dịch bệnh tấn công

Ngay sau khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên do viêm não mô cầu hồi giữa tháng 5 vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã phát đi thông báo đến các đơn vị y tế dự phòng quận, huyện cảnh giác với dịch bệnh này. Ca tử vong là trường hợp bé V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ tại quận 11) nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng sốt cao, nôn ói, xuất huyết trên da, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu. Dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng cháu bé không qua được nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM), lo lắng vì chỉ cần xuất hiện một ổ dịch viêm não mô cầu, nếu không khống chế tốt sẽ lây lan.
Viêm não mô cầu là loại bệnh do vi trùng Neisseria meningitidis gây nên mà trẻ em dưới 2 tuổi có thể gặp, nhưng thường gặp ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Bệnh lan trong cộng đồng, thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên gây nên tình trạng nhiễm trùng nhiều bệnh nhân. Tại nơi cư trú có trẻ bị bệnh, nếu không có giải pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời, não mô cầu sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi… Tại khu vực phía Bắc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng quan ngại khi ghi nhận tại các bệnh viện nhi cho thấy số trẻ được chẩn đoán mắc viêm màng não cũng gia tăng. “So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh viêm màng não có tăng lên, ngay khi mới có nắng nóng đầu hè”, một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết.

Giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt

Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trẻ em có cơ địa rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ từ lạnh sang nóng hay ngược lại. Một thực tế cho thấy vào mùa nắng nóng là lúc thời tiết hanh khô làm cho độ ẩm trong không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là virus)… dễ bùng phát và tấn công khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì trẻ em có sức đề kháng còn yếu kém.

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt, như: rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Rửa tay được xem như “liều vaccine miễn phí” cho mọi người. Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành và an toàn, nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.  

 Ngoài các bệnh truyền nhiễm trên, một số bệnh dịch “truyền thống” khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong mùa hè. Theo Sở Y tế TPHCM, trong tuần qua, toàn thành phố có 110 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 7.773 ca (tăng 84% so với cùng kỳ năm 2015). Từ đầu năm đến nay, TPHCM cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trong khi đó, tuần qua TPHCM cũng ghi nhận 153 ca bệnh dịch tay chân miệng nhập viện, tăng 11% so với trung bình 4 tuần trước (138 ca). Số ca bệnh cộng dồn trong 5 tháng qua là hơn 2.000 ca.

 Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục