Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu

Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục làm nóng dư luận khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu mới nhằm vào hàng loạt mặt hàng Mỹ. Điều đáng lo ngại là phạm vi ảnh hưởng trong cuộc chiến này không chỉ nằm ở 2 quốc gia.
Một nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc
Một nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc
“Ăn miếng trả miếng” 
Trước và sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc đang tìm cách làm suy giảm sự thịnh vượng của Mỹ do mức thâm hụt thương mại liên tục gia tăng. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê trung ương Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đạt 375 tỷ USD trong năm 2017. 
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump chính thức được mở màn vào ngày 23-3, thời điểm ông Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Tiếp sau đó là một bản ghi nhớ áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đã đáp trả bằng tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ ngày 2-4. 
 Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Với 2 nước, quan hệ kinh tế thương mại vừa được xem là “hòn đá tảng” nhưng cũng là “cỗ máy thúc đẩy” mối quan hệ. Theo thống kê của Trung Quốc, kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 500%, cao hơn 90% mức tăng xuất khẩu của Mỹ trên toàn cầu trong cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường nước ngoài quan trọng của nhiều sản phẩm Mỹ: 62% đậu nành, 14% bông, 17% ô tô và khoảng 25% máy bay Boeing được đưa vào sử dụng trên toàn cầu mà Mỹ xuất khẩu đều được tiêu thụ ở Trung Quốc. Trong một bản báo cáo mà Bộ Thương mại Trung Quốc công bố năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ triển khai hợp tác kinh tế thương mại là kết quả tất yếu của sự phân công ngành nghề, sắp xếp tối ưu hóa nguồn lực trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Mỹ được xếp vị trí trung bình cao, Trung Quốc xếp vị trí trung bình thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Canh bạc lớn 
 Đánh giá mức độ thiệt hại sẽ nghiêng về bên nào nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện đang trở thành đề tài nóng. Trên tờ Straits Times, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, khẳng định: “Không có nước nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại”. Với quan điểm đánh giá Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, ông Nicholas Lardy, Giáo sư Viện Nghiên cứu Peterson, cho rằng cái giá mà ông Donald Trump phải trả để duy trì các biện pháp bảo hộ sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để trả đũa Trung Quốc. Dưới con bài dân tộc chủ nghĩa, Trung Quốc có thể khuyến cáo người dân ngừng các chuyến du lịch tới Mỹ, gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp không khói của Washington. 
Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê quốc gia Mỹ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là các mặt hàng có giá trị thặng dư cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo nhận định của ông David Bachman, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Washington, khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing - sẽ chịu thiệt hại lớn. Các đối thủ cạnh tranh sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.
Một báo cáo năm 2017 của Đại học Oxford chỉ ra quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho nước Mỹ. Báo cáo này nhận định, nền kinh tế Mỹ khó có thể đương đầu với cái giá của tình trạng thất nghiệp và giá cả tăng vọt, hệ quả tất yếu của chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đã xuất hiện ý kiến lo ngại rằng, khi Trung Quốc có thêm các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Ngành nông nghiệp và hàng không của Mỹ có thể là 2 lĩnh vực hứng chịu các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc. Nông nghiệp hiện là lĩnh vực xuất siêu của Mỹ với Trung Quốc.
Việc đánh thuế này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ, trong đó có một bộ phận không nhỏ cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Hiệp hội Sản xuất thịt heo quốc gia cho biết, trong năm ngoái đã xuất khẩu sang Trung Quốc sản lượng thịt trị giá 1,1 tỷ USD, đưa Bắc Kinh trở thành thị trường xuất khẩu thịt heo lớn thứ 3 tại Mỹ.
Việc Bắc Kinh áp khoản thuế mới này lên ngành chăn nuôi được dự báo sẽ khiến sản phẩm này không còn giữ được mức giá cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Nếu việc áp thuế Trung Quốc cũng như việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại với đồng minh không thu được kết quả như mong đợi, nhiều khả năng kế hoạch thu thêm lá phiếu cử tri cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ gặp thất bại. 
Về phía Bắc Kinh, các biện pháp trả đũa cũng là một canh bạc lớn và có thể gây phản tác dụng với chính nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại đến viễn cảnh Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản có thể liên kết với nhau thành một trận tuyến trong cuộc chiến này và đó là tổn thất lớn tới mức Trung Quốc không thể trả nổi. Rõ ràng, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình về việc môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn, liên quan đến việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bị buộc chuyển giao công nghệ hoặc các ưu đãi công khai quá mức của Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp bản địa. Nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc. Cuối cùng, cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn...
Châm ngòi cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu
Theo nhận định của WTO, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu có thể càng mờ mịt hơn, tiến trình toàn cầu hóa cũng có thể gặp nhiều trắc trở. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn sẽ lôi kéo các nền kinh tế khác vào cuộc và châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu. Lý do là phần lớn tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương. IMF liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và của bản thân nước Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Signapore Heng Swee Keat cũng nhấn mạnh, một cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ ai, mà chỉ là cú đòn giáng xuống các nền kinh tế.
Nhiều thị trường tài chính đã phản ứng ngay tức thì trước những tín hiệu xấu trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong phiên giao dịch ngày 2 và 3-4, các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dow Jones, Nasdaq, S&P 500, Shanghai Composite (Trung Quốc) và chỉ số Nikkei (Nhật Bản) đều lao dốc mạnh. 
Một số quốc gia đã bắt đầu cảm nhận được tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong đó có Australia, nước có đến 30% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng năm, Australia xuất sang Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn quặng sắt và than cốc, 2 nguyên liệu chính của ngành sản xuất thép. Cùng với đó còn là mặt hàng đồng được dùng cho các sản phẩm điện tử. Ở trung tâm thương mại trung gian như Hồng Công, đã xuất hiện ý kiến lo ngại rằng, đây là sẽ là mắt xích yếu kém nhất… 
Dẫu vậy, vẫn còn một số ý kiến lạc quan cho rằng, cái gọi là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chưa hẳn đã mất kiểm soát. Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, song chưa thể thực hiện ngay, bởi sau khi ông ký biên bản ghi nhớ áp thuế, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ có 15 ngày để liệt kê các danh mục hàng hóa bị đánh thuế. Thông thường sẽ có ít nhất 30 ngày và Văn phòng Thương mại Mỹ sẽ có 60 ngày để lấy ý kiến người dân Mỹ, sau đó mới công bố danh sách cuối cùng. Hiện vẫn còn hơn 2 tháng để hòa hoãn trước khi một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Trung - Mỹ thực sự xảy ra. 
Một vài người hoài nghi về động cơ thực sự của các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc. Họ cho rằng, đây chỉ là đòn gió và là con bài để Mỹ giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong vòng 60 ngày tới… Theo Wall Street Journal, trước khi Trung Quốc phản đòn, ở hậu trường, Washington và Bắc Kinh đã ráo riết đàm phán. Phía  Mỹ yêu cầu Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn Mỹ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với ngành tài chính.
Vì thế, giới chuyên gia kinh tế cho rằng không loại trừ việc hai bên sẽ tiếp tục mở những cuộc đàm phán thương mại để mang lại thỏa thuận tối ưu nhất. Giáo sư Nicolas Moinet của Trường Hành chính và kinh tế AIE (Pháp) cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rõ là cuộc chiến mới chỉ mở màn, đòn áp thuế nhập khẩu từ phía Nhà Trắng chỉ là hiệp 1. Các chương kế tiếp mới mang tính quyết định... Mục đích thực sự của cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc là buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa và nhượng bộ về việc chuyển giao công nghệ, ngưỡng tiếp cận cho nguồn vốn của Mỹ.
Theo phân tích của Financial Times, vấn đề áp thuế nhập khẩu và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 1%-3% trong vài năm tới. Trong khi đó, theo nhận định của The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, đặc biệt là EU và Trung Quốc... 

Tin cùng chuyên mục