Căng thẳng nguồn cung than cho nhiệt điện

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ đầu năm đến nay, các nhà máy nhiệt điện của EVN gặp nhiều khó khăn do công suất huy động nguồn lớn trong khi vì nhiều lý do, lượng than cung ứng chưa ổn định về số lượng, chất lượng và tiến độ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhà máy điện.

Trong khi đó, theo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong thời gian vừa qua, ngành than cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu sử dụng than tăng đột biến trong khi điều kiện khai thác và khả năng tăng sản lượng ngày càng khó khăn.

Cụ thể, trong 8 tháng năm 2018, TKV đã cung ứng cho các hộ sản xuất điện 19,5 triệu tấn than, bằng 71% khối lượng than theo hợp đồng cung ứng đã ký và bằng 112% so với cùng kỳ. 

Theo tính toán của TKV, năm 2017 toàn ngành tiêu thụ 35 triệu tấn than, dự kiến năm 2018 tăng lên khoảng 39-40 triệu tấn và năm 2019 sẽ ở mức 41 triệu tấn than sạch.

Tuy nhiên, hiện nay TKV gặp nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng mỏ mới do phải mất nhiều thời gian, chi phí trong khi công tác cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác rất chậm. Bên cạnh đó, giá than thế giới đang có chiều hướng tăng và hiện đang cao hơn than trong nước từ 15%-20% nhưng giá bán than trong nước không tăng, gây áp lực lớn đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh của ngành than.

Ngoài ra, việc ký hợp đồng dài hạn giữa đơn vị cung ứng và hộ tiêu thụ đang có những bất cập, nhất là công tác rà soát, xây dựng biểu đồ nhu cầu than chưa sát thực tế khiến đơn vị bị động trong kế hoạch sản xuất, nhập khẩu và cung ứng than.

Để đảm bảo nguồn, hiện nay (năm 2017) Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 40% tổng lượng than khai thác trong nước.

Nếu tính về giá trị, than nhập khẩu cấp cho nền kinh tế năm 2017 đạt khoảng 34.352 tỷ VND, than khai thác trong nước cấp cho nền kinh tế đạt 64.795 tỷ VND.

Dự kiến tới năm 2020, tỷ trọng than nhập khẩu sẽ bằng và cao hơn than khai thác trong nước trong cân bằng về than của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục