Căng thẳng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập

Hôm nay 2-6, hơn 160.000 thí sinh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020. Đây là năm đầu tiên kỳ thi có nhiều đổi mới trong công tác ra đề, phân bổ giám thị cũng như thắt chặt an ninh tại phòng thi.

Hà Nội: Phát huy tác dụng của camera giám sát

Sáng 1-6, gần 86.000 thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020 trên địa bàn TP Hà Nội đã có mặt tại 169 điểm thi để làm thủ tục dự thi. Ghi nhận chung cho thấy tất cả điểm thi đều niêm yết đầy đủ danh sách thí sinh ở từng phòng thi, nội quy, trách nhiệm của thí sinh khi đến dự thi, lịch thi, sơ đồ phòng thi, hiệu lệnh trống...

Tại buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh được phổ biến một lần nữa về lịch thi (thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự buổi thi đó, mất cơ hội dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập) và các vật dụng được phép mang vào phòng thi. Nếu bị phát hiện mang vật dụng, tài liệu trái phép vào phòng thi, dù đã sử dụng hay chưa sử dụng, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi và bài thi bị điểm 0.

Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ít hơn so với năm 2018 gần 10.000 thí sinh. Đây là năm đầu tiên Hà Nội tuyển sinh theo phương thức mới: chỉ sử dụng kết quả thi tuyển thay vì kết hợp thi tuyển và xét tuyển, học sinh phải thi đủ 4 môn (gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) thay vì 2 môn như các năm trước.

Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội hơn 64.400 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 21.400 học sinh (khoảng 25% tổng số thí sinh dự thi) phải theo học tại các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. 

Trung tá Nguyễn Khánh Ly, Đội trưởng Đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an TP Hà Nội, cho biết, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, trong đó chú trọng việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ coi thi, thí sinh, an ninh trật tự tại điểm thi, an toàn giao thông và phòng chống gian lận thi cử.

Cụ thể, đây là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức lắp camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi cũng như phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm. Để bảo đảm tính nghiêm túc trong công tác coi thi, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định đổi chéo giám thị giữa các quận, huyện, thị xã với nguyên tắc giáo viên không coi thi học sinh của trường thuộc địa bàn mình công tác. Ngoài ra, gần 340 cán bộ thanh tra cũng được huy động làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

TPHCM: Đổi chỗ ngồi của thí sinh sau mỗi buổi thi

Tại TPHCM, năm nay kỳ thi được tổ chức tại 135 điểm thi, trong đó có 126 điểm thi thường và 9 điểm thi chuyên. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đối với lớp 10 thường là 74.180 học sinh, thí sinh thi vào lớp 10 chuyên, lớp 10 trong các trường THPT chuyên là 6.147 học sinh.

Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 112 trường THPT công lập là 67.299 học sinh, sẽ có hơn 13.000 học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Để phục vụ kỳ thi, Sở GD-ĐT TP đã huy động 10.251 cán bộ làm công tác coi thi và 675 lãnh đạo phụ trách hội đồng thi.

Ngoài ra, để phục vụ công tác lên điểm, ghi điểm, rọc phách, so dò và thu phát bài thi của học sinh, TP cũng huy động hơn 4.000 cán bộ, giáo viên khác. Trong đó, 3 môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ dẫn đầu số lượng giáo viên chấm thi với 720 người/môn thi. Trước đó, nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự của kỳ thi, sở đã yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trường đề phòng sự cố cây ngã đổ; đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, các trang thiết bị điện, không để xảy ra tình trạng rò rỉ điện trong các phòng thi, nhà vệ sinh, khu vực hành lang và các khu vực có liên quan đến việc tổ chức thi. Đặc biệt, đối với khu vực cổng trường, tường rào tiếp giáp với các khu vực lân cận cũng được quan tâm, sửa chữa nhằm thắt chặt an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, thí sinh phải có mặt tại điểm thi trước giờ phát đề thi môn đầu tiên 60 phút, các buổi thi sau thí sinh có mặt trước 30 phút. Trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì cán bộ coi thi lập biên bản và cho thí sinh dự thi. Những trường hợp đến chậm quá 15 phút (thí sinh có mặt tại cổng điểm thi) sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh sẽ không được dự thi. Các điểm thi thực hiện việc phân công cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi bằng phương thức bắt thăm và đổi chỗ ngồi của thí sinh sau mỗi buổi thi. 

Liên quan đến nội dung ra đề, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: “Đề thi năm nay có cấu trúc tương tự đề thi tuyển sinh năm 2018, tuy nhiên với định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích thí sinh thể hiện khả năng tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế đời sống”.

Cụ thể, đề thi sẽ có một số điều chỉnh như tăng đánh giá về kỹ năng, giảm lý thuyết, không có những câu hỏi theo dạng ghi nhớ mà tập trung vào khả năng vận dụng kiến thức, tiếp cận với các vấn đề thời sự gần gũi với học sinh. Thí sinh chỉ được rời khỏi phòng thi sau ít nhất 2/3 thời gian làm bài (đối với môn thi tự luận).

Tin cùng chuyên mục