Cần thay đổi chuẩn chất đào tạo giáo viên

Một lần nữa, vấn đề đào tạo “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” lại được đưa ra bàn thảo sôi nổi tại Việt Nam, trong đó có các chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sự so sánh trong bối cảnh quốc tế hiện nay đã giúp các nhà quản lý, các cơ sở giáo dục nhận thấy những bất cập từ chương trình đào tạo, cách tuyển dụng, cho đến vấn đề lương bổng, thu nhập của giáo viên (GV) Việt Nam. 
Theo Giáo sư Kyung Hwoi Kim, lương giáo viên ở Hàn Quốc cao hơn 2 - 3 lần so với nhiều nghề khác
Theo Giáo sư Kyung Hwoi Kim, lương giáo viên ở Hàn Quốc cao hơn 2 - 3 lần so với nhiều nghề khác
Bài học từ thế giới 
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Phượng, Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TPHCM, có một nghiên cứu từ thực trạng đào tạo tại Mỹ, Pháp, Nhật và cho kết quả: Cả 3 quốc gia này đều theo mô hình đào tạo sư phạm nối tiếp, tức là sau khi học xong kiến thức khoa học, sinh viên sẽ tiếp tục học về giáo dục - sư phạm nếu muốn trở thành GV. Lịch sử đào tạo GV của Pháp và Nhật Bản có những nét riêng, nhưng các nước này đều đã thay đổi theo hướng mô hình trường đào tạo GV là thành viên của ĐH tổng hợp. 
Tại Mỹ, một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách học tập công bố rằng tình trạng thiếu GV của quốc gia này đang ngày càng trầm trọng, do số lượng sinh viên theo học sư phạm giảm xuống. Nếu trình trạng này tiếp tục, hàng năm Mỹ sẽ thiếu 100.000 GV trong giai đoạn 2017-2025.
Còn theo báo cáo của Gray & Taie (năm 2015) dựa vào số liệu của Trung tâm quốc gia về thống kê giáo dục, đối với lứa GV tốt nghiệp năm học 2007-2008, tỷ lệ bỏ nghề trong vòng 4 năm sau khi tốt nghiệp là 17%. Khảo sát mức quan trọng của tiền lương trong việc thu hút GV, có 67% GV công lập bỏ nghề trong năm 2012 cho rằng mức lương tăng là rất quan trọng đối với quyết định quay trở lại nghề của họ.
Giáo sư Tohsaku Yasu Hiko, Trường ĐH California (Mỹ), cho biết ở Mỹ GV được đào tạo phải đạt các tiêu chuẩn quan trọng như kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy và sau đó là chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, nghề giáo hiện nay ở Mỹ lương không cao nên trong những năm gần đây giáo viên bỏ nghề khá nhiều.
Theo Giáo sư Kyung Hwoi Kim, Trường ĐH SungShin (Hàn Quốc), giáo dục là “bí kíp” giúp Hàn Quốc phát triển vững mạnh trong suốt 5 thập kỷ vừa qua, phát triển giáo dục đi đôi với phát triển kinh tế. Hiện nay, nghề giáo có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần ngành nghề khác. Do đó, 57% phụ huynh Hàn Quốc muốn con trở thành GV, sau đó mới đến bác sĩ. Hàn Quốc tuyển chọn GV rất gắt gao, bậc tiểu học thì “1 chọi 2” nhưng bậc trung học là “1 chọi 20”. Ngoài ra, sinh viên học sư phạm là những học sinh xuất sắc. Tại Hàn Quốc, nghề giáo là nghề rất được tôn trọng. 
Cần chính sách đồng bộ 
Nhìn từ thực tế, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kiến nghị cần có sự thay đổi trong đào tạo GV ở Việt Nam. Trước hết là phải thay đổi thời gian đào tạo: thay vì đào tạo cử nhân sư phạm 4 năm như hiện nay, thì nên là 5 năm với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 năm), đào tạo bậc cử nhân khoa học trong các khoa chuyên ngành của các trường ĐH. Giai đoạn 2 (2 năm), đào tạo thạc sĩ giáo dục trong các khoa/trung tâm đào tạo GV của các trường ĐH. Thời gian đào tạo 5 năm không áp dụng cho chương trình đào tạo GV mầm non, vì mầm non là bậc học đặc thù. 
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Phượng cho rằng, Việt Nam có thể học tập các quốc gia phát triển như Nhật, Pháp… trong việc quy định chuẩn năng lực GV. Xu hướng chung tại các nước này là đảm bảo GV tương lai vững về kiến thức môn học và đảm bảo hiệu quả của kỳ thực tập nghề nghiệp tại trường phổ thông. Trước mắt, trường sư phạm cần đảm bảo chuẩn kiến thức khoa học cho sinh viên sư phạm và xem xét yêu cầu nâng chuẩn.
Tiếp theo là thay đổi chương trình đào tạo GV hiện có bằng đào tạo thạc sĩ giáo dục (trước mắt thực hiện đối với việc đào tạo GV THCS và THPT; sau đó là GV tiểu học và mầm non khi có điều kiện). Sinh viên sau khi nhận bằng cử nhân khoa học ở các trường ĐH mới được dự tuyển các khóa học thạc sĩ giáo dục.
Chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục sẽ được thiết kế các học phần: Tâm lý học, Giáo dục học, Lý luận và phương pháp dạy học chung, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn, Kỹ thuật dạy học, Thực tập sư phạm. Những sinh viên học chương trình thạc sĩ giáo dục phải có thời gian làm việc thực tế trong các trường phổ thông không ít hơn 1 năm, vừa thực hành nghề nghiệp, vừa học các môn học về phương pháp tổ chức dạy học và kỹ thuật dạy học. 
Những bất cập trong đào tạo GV hiện nay có rất nhiều nguyên nhân từ bối cảnh xã hội. Nguyên nhân hàng đầu là nghề giáo kém hấp dẫn, người giỏi không muốn vào trường sư phạm. Mặc dù hình ảnh nghề giáo vẫn là một biểu tượng tinh thần tốt đẹp, nhưng mức đãi ngộ đối với GV không đủ để họ an tâm với nghề. Để thu hút và giữ chân người giỏi làm GV, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Phần Lan, Singapore… có thể hữu ích. Theo nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey, các nước này có nền giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới và họ đã thực hiện tuyển sinh đầu vào gắt gao, trả lương cao cho GV đương chức để có một đội ngũ GV giỏi. 
Trong bối cảnh có nhiều biểu hiện tiêu cực trong tuyển dụng GV như hiện nay, Việt Nam có thể xem xét phương án tổ chức kỳ thi cạnh tranh và chuẩn hóa để cấp chứng chỉ dạy học như ở Pháp và Nhật.

Tin cùng chuyên mục