Cần thận trọng đầu tư

Mặc dù đang là thời điểm khó khăn chung về nguồn vốn đầu tư nhưng trong năm 2018, ngành giao thông vẫn liên tiếp khánh thành nhiều dự án lớn, trong đó có những dự án được cho là cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, các dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông với tổng vốn đầu tư 118.000 tỷ đồng và đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao với tổng vốn đầu tư 58 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD đang được rốt ráo đẩy mạnh đầu tư đã cho thấy các dự án giao thông vẫn là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, với số vốn khổng lồ đã, đang và sắp đổ vào giao thông, câu hỏi đặt ra là, đầu tư thế nào cho thực sự hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đang rất hạn hẹp và bài học về thất thoát, lãng phí, không hiệu quả vẫn còn nhãn tiền. 

Có những dự án người dân có thể nhìn thấy ngay hiệu quả, ví dụ như: dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng giúp di chuyển từ Hà Nội đi Hạ Long chỉ còn 1 giờ rưỡi thay vì 3 giờ rưỡi; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa được khánh thành, không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi còn hơn 1 giờ, thay vì 3 giờ như trước đây… Thế nhưng cũng có rất nhiều dự án không hiệu quả, vừa gây bất bình cho người dân vừa là gánh nặng cho nhà đầu tư, điển hình là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư lên đến 45.487 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, dự án này đang bị lỗ trung bình 2,5 tỷ đồng/ngày. Tương tự, dự án BOT cầu Hạc Trì cũng bị lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 

Dự án cầu Mỹ Lợi (quốc lộ 50), doanh thu chỉ đạt khoảng 60% so với phương án tài chính, nguyên nhân do lưu lượng xe lưu thông thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo. Còn hàng loạt dự án BOT khác cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng của người dân và tình trạng thua lỗ, như dự án quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình… Không chỉ đối với đường bộ, các lĩnh vực khác cũng có không ít dự án đầu tư cả ngàn tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả như mong muốn. Với đường sắt có thể kể đến dự án thông tin tín hiệu đường sắt với tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, do chọn sai công nghệ, dự án này đã không thể đảm bảo được mục tiêu nâng cao an toàn đường sắt và tai nạn vẫn liên tục xảy ra. Với hàng hải, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải  (Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư hơn 2 tỷ USD nhưng sau gần 10 năm hoạt động, đến nay, lượng hàng hóa thông quan ở Cái Mép - Thị Vải chỉ đạt 20%...

Theo các chuyên gia giao thông, có nhiều lý do khiến các dự án được đầu tư lớn phải đối mặt với thua lỗ nhưng một trong những nguyên nhân đầu tiên là, dự án đã được đầu tư vội vàng, không khảo sát, dự báo chuẩn xác về nhu cầu. Bên cạnh đó, việc quản lý đầu tư yếu kém, dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn lên nhiều lần, hay việc chọn sai công nghệ, đầu tư không đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến các dự án không có hiệu quả. Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa có thể khiến một số dự án ngàn tỷ đồng bỗng trở thành “bỏ thì thương, vương thì tội”…  Đó cũng chính là những lý do khiến người dân đang rất lo ngại đối với các dự án đang và sắp được đầu tư. Liệu các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM có hiệu quả không khi tính kết nối với các phương tiện công cộng khác chưa cao? Liệu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông có ế khách? Liệu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có cạnh tranh được với hàng không, đường bộ? Liệu Cảng hàng không quốc tế Long Thành có trở thành sân bay trung chuyển của khu vực?

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công, tính hệ thống, đồng bộ là đặc trưng cơ bản của kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu một khâu được thiết kế hoặc xây dựng không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến vận hành chung của hệ thống, thậm chí gây tê liệt hoặc ách tắc. Do đó, ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, đầu tư các công trình cho đến cách thức tổ chức quản lý, vận hành đều phải được quan tâm hợp lý để phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trước mắt, việc đầu tư cho giao thông sẽ ưu tiên cho các vùng kinh tế phát triển, ưu tiên cho kết nối với các cảng hàng không, cảng biển, kết nối các cửa khẩu để đẩy mạnh giao thương với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ, khảo sát, dự báo chính xác để phân kỳ phù hợp với tốc độ phát triển, khi có tích lũy và có nhu cầu sẽ đầu tư mở rộng trong tương lai.

Cùng với quan điểm không đầu tư tràn lan, vay nợ để đầu tư những dự án chưa thực sự cấp bách, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ công tác đầu tư. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định đang rất thận trọng trong việc đầu tư các dự án lớn, trong đó, những vấn đề bất cập trong đầu tư trước đây sẽ được khắc phục hoàn toàn trong dự án cao tốc Bắc - Nam. Với dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu kỹ để chọn phương án tối ưu, trong đó sẽ lựa chọn công nghệ, đảm bảo hiện đại và đồng bộ để tránh tình trạng chắp vá, gây phát sinh chi phí và các phương án chi phí, giá cả sẽ phải thuyết phục được toàn dân và Quốc hội. 

Người dân vẫn đang chờ đợi những dự án giao thông mới, hiệu quả của nó mang lại phải tương xứng với đồng tiền bỏ ra, dù đồng tiền đó là ngân sách nhà nước hay vốn huy động xã hội.

Tin cùng chuyên mục