Cần tầm nhìn quy hoạch mới vùng kinh tế Đông Nam bộ

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế ĐNB lần thứ 2 - 2017 diễn ra vào ngày 26-7 tại TPHCM.
Giao thông chưa được kết nối đang là lực cản của vùng kinh tế Đông Nam bộ Ảnh: VĂN PHONG
Giao thông chưa được kết nối đang là lực cản của vùng kinh tế Đông Nam bộ Ảnh: VĂN PHONG
Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP và khoảng 50% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước, nhưng tính liên kết rời rạc giữa các tỉnh, thành trong vùng hiện là một trong những trở ngại lớn để phát triển.
Tại Diễn đàn Kinh tế ĐNB lần thứ 2 - 2017 diễn ra vào ngày 26-7 tại TPHCM, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị cần có tầm nhìn quy hoạch mới cho vùng kinh tế này theo hướng tăng cường liên kết vùng, nguồn lực đầu tư để phát huy thế mạnh của vùng, giúp giải quyết các lực cản về giao thông, xã hội.
Tập trung nhiều thế mạnh
Trình độ phát triển kinh tế của vùng ĐNB nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực (công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực). ĐNB là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung ở tứ giác TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu. Đến nay, vùng ĐNB chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 - 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Bên cạnh đó, vùng kinh tế ĐNB có hạt nhân là TPHCM - nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng. Vùng ĐNB còn là trung tâm hội nhập quốc tế lớn nhất nước với cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (đã định hình), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sẽ được xây dựng). ĐNB là vùng kinh tế năng động, dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến nay, vùng chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá: Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 53 ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐNB và kinh tế phía Nam tới năm 2010 và định hướng đến năm 2020, vùng ĐNB đã đạt được những thành tựu to lớn…
 Các trở ngại cần tháo gỡ
ĐNB là khu vực tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, đồng thời thu hút được đầu tư tư nhân (cả trong nước và FDI) nhiều nhất nước, nên sự gia tăng liên tục 2 nhân tố đầu vào này đã giúp ĐNB duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, do tăng trưởng chủ yếu đến từ 2 nhân tố đầu vào hữu hình này trong khi tốc độ tăng năng suất không cao, nên không thể tạo ra được động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý ĐH Fulbright, nhà nghiên cứu cao cấp của Trường Quản lý Nhà nước Havard Kennedy - Đại học Havard) thì vùng kinh tế ĐNB sẽ phải đối diện với một thực tế là dư địa tăng vốn và lao động sẽ dần cạn kiệt, đồng thời dẫn tới gia tăng kẹt xe và áp lực quá tải hạ tầng giao thông - vốn đang là lực cản tăng trưởng rất lớn của khu vực. Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ trọng GDP có tính sáng tạo và đổi mới trong vùng kinh tế ĐNB cũng rất thấp. Điển hình là với TPHCM, tuy mức độ gia tăng dân số rất cao, song cho đến nay vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp 2.0, do đó thu hút nhiều lao động, trong khi đô thị lại chưa được chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, lập tức gây quá tải hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, tội phạm gia tăng… và trong các nhóm ngành đóng góp tỷ trọng cao cho GDP của TPHCM theo thống kê bao gồm dệt may, da giày, thực phẩm, đồ uống, cao su, hóa chất, kim loại đúc sẵn và hàng điện tử.
Một trở ngại khác là nguồn lực đầu tư của Trung ương dành cho khu vực ĐNB chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, hoàn toàn không tương xứng với những đóng góp to lớn của vùng. Riêng TPHCM, từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại đã giảm mạnh từ 23% xuống chỉ còn 18%, trong khi còn nhiều dự án lớn cần đầu tư phát triển, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy vùng ĐNB phát triển. Là khu vực chủ lực về sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xuất khẩu hàng công nghiệp, điện tử nhưng vùng ĐNB vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng; thiếu hẳn một tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Còn về cơ chế phối hợp liên vùng, hiện chưa có cơ chế và quy định về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cả vùng, nên thời gian qua các địa phương điều hành thực hiện theo chức năng nhiệm vụ trong phạm vi địa bàn của mình. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng nếu có chỉ là sự hợp tác liên kết phát triển riêng rẽ giữa các địa phương. 
Kết nối giao thông phải thông suốt 
Từ thực tế trên, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, đưa ra đề xuất: Phải quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới vượt thoát cấu trúc cũ. Trong đó, cần xác định lại cấu trúc vùng của khu vực ĐNB - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TPHCM; đề cao tư duy phát triển vùng, phải đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển vùng gắn với vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển vùng của TPHCM. Theo đó, cần có thể chế điều hành vùng, cơ chế giám sát thực thi, trong đó có phân bố nguồn lực cấp vùng (định hướng phân công ngành tổng quát để bảo đảm liên kết, phối hợp phát triển ngành và đô thị); phát triển giao thông kết nối vùng; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp giải quyết vấn đề môi trường; phân bổ nguồn lực (phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho hội đồng vùng và chính quyền tỉnh).
Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Vùng ĐNB với TPHCM là đầu tàu, cần phải phát triển các đô thị vệ tinh cùng với việc tăng cường kết nối giao thông thông suốt giữa TPHCM với các tỉnh. Bộ GTVT phải nhanh chóng cho thi công tuyến đường sắt nối thành phố mới Bình Dương về trung tâm TPHCM. Khi triển khai được các dự án cầu đường quan trọng, tự khắc các đô thị vệ tinh quanh TPHCM sẽ phát triển vượt bậc và nhờ vậy, những áp lực về quá tải hạ tầng, ngập nước, kẹt xe… của TPHCM sẽ dần được cởi bỏ, ưu tiên.

Tin cùng chuyên mục