Cần sự “đều tay” trong kết nối hàng Việt

Ngày 11-10, tại TPHCM, gần 400 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở nhiều lĩnh vực đã tham gia lễ khởi động Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2018” và Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải nhấn mạnh, sự hiện diện của đông đảo DN tại hội nghị lần này đã gửi đi những tín hiệu thị trường, cùng với sự giúp sức của truyền thông sẽ tạo ra thông điệp lan tỏa tới mọi DN trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có thể tham gia kết nối, tạo mối quan hệ đối tác phát triển dài hơi.

Trong phần thảo luận về thúc đẩy liên kết để hỗ trợ đưa đặc sản của địa phương, các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hệ thống phân phối trong nước, nhiều ý kiến cho rằng chưa có sự “đều tay” trong quá trình thực hiện. Theo bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp kết nối, qua đó một số hàng nông sản đã xây dựng được các chuỗi cung ứng có tính bền vững như chuỗi cá tra, chuỗi sản xuất gạo, chuỗi trứng vịt, cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng trong chuỗi nên việc tiêu thụ khá ổn định, đặc biệt là tại TPHCM. Theo bà Thủy, để thực hiện các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa thành công, vấn đề căn cơ nhất là phải xây dựng được chuỗi liên kết, đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có chất lượng ổn định và truy xuất nguồn gốc. Điều này tỉnh Đồng Tháp đang làm rất tốt. Tuy nhiên, cái khó là tỉnh vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các thành phố lớn, cũng như các hệ thống phân phối về thị hiếu, nhu cầu sản phẩm, yêu cầu về đóng bao bì, mẫu mã. Nếu có sự kết nối thông suốt, chắc chắn Đồng Tháp sẽ gắn kết và thực hiện chuyển đổi sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường, từ đó nâng giá trị gia tăng cho hàng nông sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ở góc độ nhà phân phối, bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Central Group Việt Nam, băn khoăn, ý thức của các hộ nông dân trong quá trình canh tác còn thấp, họ không chú trọng về việc đóng gói sản phẩm và các giấy tờ thông hành cần thiết. Chẳng hạn khi siêu thị yêu cầu đưa hàng vào bán thì họ chỉ mới thực hiện được khâu bán xá, rất ít hộ có thể đóng gói.

Đi vào thực tế, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng giao dịch Nhà cung cấp của Saigon Co.op cho biết, mỗi ngày Saigon Co.op tiếp nhận trên 100 nhà cung cấp với hàng trăm sản phẩm, nhưng dường như lãnh đạo của DN không mấy quan tâm mà thường đưa nhân viên đến giao dịch, trong khi nhân viên lại không đủ thẩm quyền và không am hiểu về sản phẩm. Trong trường hợp này, Saigon Co.op phải gọi lại cho giám đốc công ty để tìm hiểu thêm sản phẩm của DN có gì nổi bật so với cùng loại, như vậy sẽ rất mất thời gian.

Đại diện cho các DN, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, lại cho rằng hiện các mặt hàng của các DN trong hội đều đảm bảo khá tốt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng khó khăn lớn nhất là do chiết khấu hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối hiện đại rất cao. Hiện mức chiết khấu bình quân dao động từ 15%-25% tùy mặt hàng đã và đang làm cho các DN mất dần nguồn lực, không thể tái đầu tư phát triển sản xuất. Nhưng đây là điều tế nhị nên rất nhiều DN ngại không dám nói ra. “Trong bối cảnh đó, kênh phân phối truyền thống là các chợ, cửa hàng tạp hóa đã và đang trở thành bệ đỡ tiêu thụ sản phẩm cho DN, do vậy rất cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để nâng cấp hệ thống các chợ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút khách hàng”, bà Lý Kim Chi kiến nghị.

Ngày 11-10, trong khuôn khổ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kết nối toàn diện với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối, hơn 500 doanh nghiệp đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự triển lãm “Metalex Vietnam 2018”, triển lãm “Nepcon Viet Nam 2018” và “Supporting Industry Show 2018”. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến kết nối thị trường do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật bản - Jetro phối hợp cùng Reed Tradex và Metalex Việt Nam tổ chức.
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều thuộc chuyên ngành công nghiệp sản xuất và các ngành phụ trợ, trưng bày những máy móc tiên tiến để phát triển ngành gia công kim loại. Ngoài ra, tham dự triển lãm các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm hiểu, kết nối, chuyển giao công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp lắp ráp điện tử, gia công kim loại và các thiết bị công nghiệp chất lượng cao.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục