Cần siết chặt quy định về kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản

Sáng 15-11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2019. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2018, tổng số việc THADS phải thực hiện là hơn 900.000 việc, trong đó số có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 77,89%. Số đã thi hành xong là trên 570.000 việc, đạt tỉ lệ 80,30%. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 178.628 tỷ đồng. Kết quả phân loại: Trên 90.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 51,28%. Thi hành xong trên 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,35%.

Cần siết chặt quy định về kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản ảnh 1 Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự , thi hành án hành chính năm 2019, sáng 15-11-2018
Công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Đáng lưu ý, từ ngày 1-8-2018 đã thống nhất triển khai, vận hành phần mềm quản lý THADS trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận chức năng, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động THADS.

Chỉ rõ công tác THADS cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, còn một số sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ THADS, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn đã được đưa ra xét xử, tổ chức thi hành án nhưng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán. Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nộp án phí để thu cho ngân sách nhà nước; trong hỗ trợ tiền thuê nhà cho người phải THA (trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất)...

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Bộ Tư pháp xác định sẽ tập trung các nguồn lực thi hành dứt điểm các vụ việc phải thi hành, trong đó sẽ quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, án kinh tế…  

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, đối với những vụ đại án tham nhũng, kinh tế, công tác thi hành án đang gặp rất nhiều khó khăn do trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có.

Điển hình là trong năm 2018, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) bị tuyên phải bồi thường tổng cộng 600 tỷ trong số 800 tỷ đồng Tập đoàn Dầu khí bị mất khi đầu tư vào Oceanbank. Tuy nhiên hiện nay cơ quan chức năng mới xác định được tài sản có thể thi hành án là 2 căn hộ chung cư 109 và 209 tại khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà (Hà Nội). Đây là tài sản chung của vợ chồng ông Thăng. Khối tài sản này hiện đang trong quá trình phân chia.

Không chỉ có trường hợp này, mà một số vụ án lớn khác như vụ Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn… đều có số tiền phải thi hành án, thu hồi từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi việc THA gặp nhiều khó khăn. Như trong vụ Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), cơ quan thi hành án phải thu trên 300 triệu cổ phiếu, song việc bán cổ phiếu theo kênh nào thì vẫn chưa được thống nhất.

Từ những ví dụ cụ thể trên, Cục trưởng Lê Xuân Hồng đề nghị, cần quy định cụ thể theo hướng chặt chẽ hơn nữa việc áp dụng các biện pháp kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản trong các vụ “đại án”, bởi các đối tượng là người có chức vụ khiến vụ việc có tính chất phức tạp hơn các vụ án dân sự thông thường.

Tin cùng chuyên mục