Cần một chiến lược căn cơ về phòng, chống tham nhũng

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp chiều 5-9, báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Công tác PCTN đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt

Theo nhận định của Chính phủ, công tác PCTN trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN; chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng chưa phát huy toàn diện. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ…

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật PCTN (sửa đổi) đảm bảo khả thi, hiệu quả và xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc… Chính phủ cam kết, thông qua việc kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. 

Chưa có giải pháp đột phá, dài hơi

Bình luận về báo cáo, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, về cơ bản, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc. Tuy nhiên, dường như báo cáo mới chỉ nêu cụ thể một số cơ quan đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa nêu đích danh những nơi làm chưa tốt. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy thẳng thắn đặt câu hỏi: “Báo cáo nêu một số bộ, ngành, địa phương nể nang, né tránh, ngại va chạm trong PCTN nhưng lại không nói địa chỉ thì sẽ rất khó để khắc phục hạn chế… Một số ở đây là bao nhiêu? Thuộc những địa chỉ nào, địa phương, bộ ngành nào?”.

Về kê khai tài sản, thu nhập, theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai là 1.134.685 bản, đạt tỷ lệ 99,8%. Số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017). Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy, còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật... Trong khi đó, pháp luật hiện hành thiếu biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, qua giám sát, phản ánh của cử tri và báo chí cho thấy, có biểu hiện “lợi ích nhóm” trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn nhiều bất cập; có tình trạng lãnh đạo, các đoàn đi công tác nước ngoài nhiều lần với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án, vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử, xử lý thời gian qua. Cụ thể, năm 2018, có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, giảm 10 người so với năm 2017. Trong khi đó, số vụ việc tham nhũng năm 2018 bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ tăng 26,7% số vụ; qua thanh tra tăng 52,2% số vụ; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng 100% số vụ; vụ án tham nhũng khởi tố mới 232 vụ, tăng 37 vụ. 

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), nhiều giải pháp đã có từ lâu, nhưng chưa được thực hiện căn cơ: “Chúng ta phát hiện ra vụ nào đánh vụ đó, nhưng không có một chiến lược PCTN có hiệu quả lâu dài và căn cơ”. Ông Nghĩa dẫn chứng, qua rà soát đã thống kê được hơn 5.600 văn bản trái pháp luật, chưa kể những văn bản không trái pháp luật nhưng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người quản lý, khiến người dân và doanh nghiệp phải phụ thuộc vào người đó thì mới làm được. “Những văn bản này gây ra thiệt hại gì, bao nhiêu, ai làm ra 5.600 văn bản này và chịu trách nhiệm như thế nào?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Tin cùng chuyên mục