Cần lộ trình tạo sự khác biệt

Công nghệ AI không chỉ đang là xu hướng của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… mà đang là xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Hoàng Trung Hiếu (bìa phải), Cử nhân tài năng công nghệ thông tin khóa 2015 (Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM), nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào robot. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hoàng Trung Hiếu (bìa phải), Cử nhân tài năng công nghệ thông tin khóa 2015 (Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM), nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào robot. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sau khi khởi đăng loạt bài Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống với những ghi nhận thực tế, góc nhìn của chuyên gia, đóng góp giải pháp để đưa trí tuệ nhân tạo (AI) sớm trở thành hiện thực tại TPHCM, Báo SGGP tiếp tục nhận thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… góp ý trong từng lĩnh vực cụ thể. Chúng tôi trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết này.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM: AI sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong 5 năm tới

Việc ứng dụng AI hứa hẹn sẽ cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc cho người dân, vốn bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng và kỹ năng kém. Như một trợ lý cá nhân thông minh đặc biệt, AI có thể phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ nhanh hơn bất kỳ ai, bằng cách mã hóa kinh nghiệm nhiều năm của các chuyên gia y tế. Một lợi ích to lớn khác của AI là khả năng xây dựng một cách nhìn chi tiết, đơn lẻ cho từng bệnh nhân nhưng bắt cặp với tất cả các dữ liệu chăm sóc sức khỏe từng đã được thu thập được trên nhiều bệnh nhân khác trước đó, từ dấu hiệu sinh tồn cho đến các triệu chứng khác.

Với AI, việc thu nhận ngay lập tức toàn bộ bệnh sử của bệnh nhân và khả năng bao phủ, phân tích nhiều bộ dữ liệu cùng lúc giúp dễ dàng phát hiện ra bất kỳ sự bất thường nào, điều này vượt quá khả năng của một bác sĩ. Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong điều trị các bệnh lý với tỷ lệ sống còn cao hơn khi phát hiện bệnh sớm hơn (như ung thư), AI còn giúp các hệ thống chăm sóc sức khỏe dễ dàng chuyển trọng tâm và nguồn lực từ chữa bệnh sang phòng bệnh; nhất là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch và tiểu đường, vốn là mối đe dọa ngày càng tăng trong các nước ASEAN

Mặc dù AI là một giải pháp khả thi và rất cần thiết cho tình trạng thiếu bác sĩ, nhưng AI cũng đòi hỏi một nguồn nhân lực khác cần phải được giải quyết, đó là có các thầy thuốc phải được đào tạo về khoa học dữ liệu và AI để họ có thể diễn giải dữ liệu. Đầu tư cho các kỹ năng chuyên môn mới này phải trở thành ưu tiên trong giáo dục và đào tạo y tế, hướng đến các hệ thống chăm sóc sức khỏe trong tương lai tại các nước đang phát triển. Không thể phủ nhận rằng AI giữ vai trò đầy hứa hẹn cho các nước đang phát triển trong khối ASEAN và không phải là khoa học viễn tưởng mà tất cả các ứng dụng của AI đều có thể trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Sự phát triển của AI cũng giúp giảm chi phí mở rộng công nghệ, làm cho nó trở thành một lựa chọn ngày càng khả thi. Nếu các nước đang phát triển trong khối ASEAN có thể số hóa hồ sơ sức khỏe của họ, nâng cao kỹ năng về khoa học dữ liệu và AI thì hoàn toàn có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kết quả sẽ cải thiện đáng kể trong vòng 5 năm tới.

PGS-TS TRẦN QUÝ TƯỜNG, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế: AI vào y tế là nhu cầu cấp thiết

Với mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi… thì ứng dụng AI vào trong y tế là nhu cầu cấp thiết. AI giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh.

AI cũng như các công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện trước khi đi vào thực tế. Tuy nhiên, AI là xu hướng tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể trì hoãn. Chính vì thế, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai, phù hợp với môi trường xã hội Việt Nam, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên thế giới.

Hiện các giải pháp ứng dụng AI trong y tế đều cho thấy khả năng triển khai thực tế tại Việt Nam, cũng như tác dụng to lớn trong việc nâng cao quản lý bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như giảm tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị.

TS DƯƠNG THỊ THÙY VÂN, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng (Đại học Tôn Đức Thắng): Các trường đại học cần đưa chương trình AI vào giảng dạy

Hiện nay AI được ứng dụng rộng rãi ở nhiều trường đại học với nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn như có thể hỗ trợ giảng viên chấm điểm bài trắc nghiệm, hỗ trợ sinh viên học tập, hỗ trợ đánh giá, phân tích công tác quản trị ở các trường. Bên cạnh đó, tại thư viện của trường, hệ thống recommendation, hệ thống tư động rút - trích thông minh những đầu sách nên chọn đọc, khuyến nghị những bộ sách có nội dung bỗ trợ, bổ sung cho môn học của sinh viên từng học kỳ, từng năm học. Song song đó, trường cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập sổ liên lạc điện tử đến với toàn bộ phụ huynh để theo dõi tình hình học tập của sinh viên. Nhờ đó, sự tương tác giữa nhà trường và phụ huynh trở nên dễ dàng hơn.

Để đẩy mạnh ứng dụng AI, các trường đại học cần đưa chương trình AI vào giảng dạy như một chuyên ngành trong ngành công nghệ thông tin. Chương trình hướng tới đào tạo dựa trên dự án và giải quyết vấn đề.

Cách thức triển khai đào tạo phải gắn liền với doanh nghiệp, sinh viên tham gia các dự án thực tế của doanh nghiệp để có thể vừa học vừa tìm cách ứng dụng trực tiếp vào vấn đề, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên là chuyên gia về AI. Một vấn đề cần lưu tâm nữa là trong chương trình đào tạo cần phải có môn đạo đức trong công nghệ thông tin, để kiểm soát và phòng ngừa những sự cố.

Ông HỒ MINH ĐỨC, CEO Công ty Vbee: Cần có một lộ trình rõ ràng

Công nghệ AI không chỉ đang là xu hướng của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… mà đang là xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng AI không những tạo ra những lĩnh vực mới, tiềm năng mới, mà quan trọng hơn là giúp các đơn vị quản lý nhà nước có thể quản lý được tốt hơn, các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, mở rộng phạm vi kinh doanh và năng lực kinh doanh được tốt hơn so với các công nghệ không áp dụng AI.

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, tầm nhìn TPHCM đi đầu trong lĩnh vực trở thành một “Thành phố AI” sẽ kéo theo sự phát triển chung về việc áp dụng AI tại Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có một lộ trình rõ ràng cũng như phù hợp với tình hình thực tế chung.

Thứ nhất, tạo mạng lưới những cá nhân, đơn vị, các nhà khoa học nghiên cứu về AI trong và ngoài nước để liên kết được với nhau. Việc tiếp cận với các mạng lưới nghiên cứu nước ngoài sẽ giúp các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam rút ngắn được thời gian, không phải nghiên cứu những gì thế giới đã làm. Điều này cũng rút ngắn được thời gian áp dụng các giải pháp vào thực tế.

Thứ hai, đặt ra các giải pháp sử dụng AI cụ thể để giải quyết vấn đề quản lý cho chính TPHCM. Ví dụ, các bài toán phổ biến có thể triển khai như hệ thống quản trị camera giao thông thông minh nhận dạng biển số, các bài toán về nhận dạng khuôn mặt ra vào các cơ quan ban ngành, hệ thống tổng đài thông minh tư vấn trả lời hoặc thông báo dựa trên giọng nói nhân tạo, các hệ thống về sản xuất tự động bằng robot cho các nhà xưởng cho các tổng công ty nhà nước… Có các yêu cầu cụ thể như vậy mới tạo ra những giải pháp cụ thể cho nhu cầu thực tế.

Thứ ba, điều khó khăn nhất mà một đơn vị khi triển khai thực tế các giải pháp áp dụng AI đó là “nhận thức” của doanh nghiệp. Họ có dám thay đổi không, thay đổi có nhanh hay không… là cả một vấn đề. Vì thay đổi cả một hệ thống truyền thống thành hệ thống áp dụng AI đòi hỏi sự thay đổi về tầm nhìn của người đứng đầu tổ chức, đơn vị. Do đó cần có sự tư vấn, truyền thông cũng như đào tạo để các đơn vị có thể hiểu sâu hơn, rõ hơn về giải pháp mà mình mong muốn áp dụng. Có như vậy mới thay đổi nhanh về mặt triển khai.

Phát triển AI ở TPHCM phải đi sát với thực tế về các dịch vụ, nhu cầu mà xã hội đang cần. TPHCM cần một lộ trình rõ ràng, những bước đi chắc chắn và đặc biệt là xây dựng các nền tảng cơ bản, các tập dữ liệu lớn dùng chung, sự kết nối của các công trình nghiên cứu và đặc biệt là sự thích ứng với các công nghệ AI ở nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục