Cần lộ trình cho đô thị thông minh

Với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng công nghệ thông tin, xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mô hình đô thị thông minh đã bắt đầu thành hình.

Nếu như 2 năm trước đây, đô thị thông minh (ĐTTM) vẫn còn là một khái niệm tương đối mới với các chính quyền địa phương tại Việt Nam, thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mô hình ĐTTM đã bắt đầu thành hình. Nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ như VNPT, Viettel, FPT,… vào cuộc mạnh mẽ; hàng loạt địa phương bắt đầu nghiên cứu và từng bước thử nghiệm xây dựng mô hình ĐTTM.

Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều thừa nhận, xây dựng ĐTTM là một quá trình dài lâu, không thể vội vàng.

Theo giáo sư Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT - Đại học Quốc gia Hà Nội, khái niệm ĐTTM đã được nhắc đến từ nhiều năm nay và thế giới cũng đã có bộ tiêu chuẩn ISO dành cho ĐTTM. Bộ tiêu chuẩn này gồm 18 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: người dân thông minh; kinh tế thông minh; môi trường sống thông minh; chính quyền số thông minh; đời sống thông minh; giao thông, liên lạc thông minh. Tuy nhiên, đây là bộ tiêu chuẩn chung, còn với mỗi quốc gia, với đặc điểm riêng về văn hóa, kinh tế, xã hội thì việc áp dụng sẽ khác nhau. Vì vậy, Hiệp hội công nghiệp máy tính châu Á và châu Đại Dương (ASSOCIO) đã đề xuất xây dựng chuẩn về ĐTTM riêng cho các quốc gia trong 2 khu vực này.

Đến cuối năm 2016, ASSOCIO đã hình thành một mô hình khung và đề xuất triển khai thử nghiệm tại 9 thành phố trong khu vực, trong đó có 3 thành phố tại Việt Nam. Dự kiến cuối 2017 sẽ tổng hợp kết quả triển khai thử nghiệm tại 9 thành phố này và sẽ hoàn thành bộ tiêu chuẩn trong năm 2018. Hiện tại vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn chính thức đối với việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam. ĐTTM được hiểu một cách khá chung chung là “việc sử dụng CNTT ở mức độ cao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”. 

Theo các chuyên gia, xây dựng ĐTTM là chủ trương và tầm nhìn đúng đắn về việc lấy người dân làm trung tâm, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời cũng cho thấy mong muốn và quyết tâm cao của các cấp chính quyền về đổi mới hệ thống chính quyền, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả.

3 đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là “chính quyền - doanh nghiệp - người dân”. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giảm chi phí, thu được nhiều thuế từ doanh nghiệp, người dân đóng góp.

Rõ ràng, nhìn từ cả 3 phía “chính quyền - doanh nghiệp - người dân”, ai cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển và vận hành của ĐTTM. Thế nhưng không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, những thành phố được công nhận là ĐTTM đang còn rất khiêm tốn. Bởi lẽ, khi hạ tầng cơ sở, nhất là về viễn thông và CNTT đạt đến một trình độ nhất định, đồng bộ, hoàn thiện thì mới làm ĐTTM được. Quan trọng hơn khi trình độ dân trí, nhận thức của đa số người dân về công nghệ cũng như pháp luật cũng phải cao, thì ĐTTM mới vận hành được. Đó là chưa kể những mặt trái có thể phát sinh của ĐTTM, điều mà nhiều hãng công nghệ “lờ đi” trong quá trình “chào bán” giải pháp và công nghệ. Ví dụ, một mạng lưới camera và cảm biến phủ khắp nơi có thể được sử dụng để theo dõi quá kỹ việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Tùy vào động cơ của người sử dụng công nghệ, việc thu thập thông tin như vậy có thể là cần thiết nhưng cũng có thể bị lạm dụng cho mục đích mờ ám nào đấy. Vì vậy, rất cần một sự cam kết rõ ràng chính quyền vận hành ĐTTM cũng như các nhà cung cấp giải pháp công nghệ không được xâm phạm sự riêng tư của mọi người!

Ngay với TPHCM, trung tâm đô thị, kinh tế và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, mặc dù lãnh đạo TPHCM đã rất nhiều lần bày tỏ quyết tâm xây dựng ĐTTM, nhưng một chiến lược dài hơi đã vạch ra với mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM vào năm 2025. Điều đó đồng nghĩa, với ĐTTM không thể muốn là có ngay. ĐTTM cần một lộ trình thích hợp với trình độ kinh tế, công nghệ và dân trí. Cần xác định rõ cái gì làm trước, cái gì làm sau. Và quan trọng hơn cần có quy hoạch dài hơi, đồng bộ, kế thừa để hoàn thiện ở những bước tiếp theo. Trong đó, mọi cơ sở hạ tầng hiện đại, thông minh phải được xây dựng, phát triển hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo và nâng cao chất lượng sống cả cộng đồng, cũng như từng cá nhân.

Tin cùng chuyên mục