Cần khắc phục tâm lý ăn tết kéo dài

Đến hôm nay, ngày 6-2 (mùng 7 Tết), các cơ quan, đơn vị bắt đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết. Tuy vậy, nhiều người còn lơ là công việc, vẫn sa đà vào chuyện vui chơi lễ hội, cờ bạc, nhậu nhẹt… Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về việc cần khắc phục ngay tâm lý thích ăn tết kéo dài, thiếu lành mạnh.
Cần khắc phục tâm lý ăn tết kéo dài

Đến hôm nay, ngày 6-2 (mùng 7 Tết), các cơ quan, đơn vị bắt đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết. Tuy vậy, nhiều người còn lơ là công việc, vẫn sa đà vào chuyện vui chơi lễ hội, cờ bạc, nhậu nhẹt… Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về việc cần khắc phục ngay tâm lý thích ăn tết kéo dài, thiếu lành mạnh.

        Lãng phí vào lễ hội

Tháng giêng âm lịch có rất nhiều lễ hội diễn ra trên cả nước, thu hút công chúng, góp phần làm bức tranh mùa xuân của đất nước thêm sinh động, phong phú. Lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Tuy nhiên, việc có quá nhiều lễ hội khiến nhiều người có tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi”, không còn phù hợp, dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết, phải kể tới việc một số người lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức cờ gian bạc lận, gây lãng phí thời gian, phung phí tiền bạc xã hội.

Cùng với đó, việc nâng giá dịch vụ tùy tiện bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông. Các trò vui chơi tại nhiều lễ hội thực chất là cờ bạc trá hình, móc túi du khách. Điều dễ thấy trong tết này là việc đốt vàng mã tràn lan hơn nhiều so với các năm trước. Tại các chợ trên địa bàn TPHCM, có những hàng mã mức giá đến triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng, người dân vẫn mua để… đốt thành tro bụi.

Tại nhiều chùa, nhang do người đến viếng đốt tràn lan, nhà chùa phải liên tục lấy ra chất thành đống lớn để bỏ cho đỡ ngộp khói. Ảnh: T.N.QUỲNH

Tại nhiều chùa, nhang do người đến viếng đốt tràn lan, nhà chùa phải liên tục lấy ra chất thành đống lớn để bỏ cho đỡ ngộp khói. Ảnh: T.N.QUỲNH

Để bảo đảm cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tổ chức lễ hội truyền thống. Cần ngăn chặn triệt để các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn cờ bạc, chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội. Tổ chức và quản lý tốt lễ hội là thiết thực bảo vệ, vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

PHAN CHÚC (Thủ Đức, TPHCM)

        Vẫn mải mê sát phạt

Trong ngày tết, việc tụ họp chơi đánh bài ăn tiền hay bầu cua ăn tiền là việc “chơi cho vui”. Thế nhưng năm nào cũng vậy, khi đã qua tết vẫn còn nhiều người tụ họp lại để cờ bạc ăn tiền. Mới mùng 5 Tết, một cặp vợ chồng trong xóm tôi ở đã đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán vì anh chồng cờ bạc thua hết tiền. Về thăm quê ngoại ở Quảng Ngãi, tôi thật xót xa khi thấy đời sống nông dân còn nhiều khó khăn nhưng ngày tết có người vẫn nướng hết tiền đã lao động vất vả cả năm vào các sòng bài. Đi một vòng trong xóm có thể thấy nhiều nhà gầy sòng cờ bạc rất xôm tụ. Tiếng hô sát phạt, tiếng văng tục cứ kéo đến tận khuya. Đứng vòng ngoài quan sát, tôi thấy những tờ giấy bạc có mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng cứ tới tấp thi nhau thả xuống sòng bầu cua để đặt cược. Chỉ trong vòng chưa đầy mươi phút, người đứng chơi gần cạnh tôi đã thua bạc triệu.

Mong mọi người hãy biết dừng đúng lúc, biết tiết kiệm và quý trọng đồng tiền chân chính do công sức mình làm ra, đừng cứ mải mê sa đà vào cờ bạc, đừng để việc cờ bạc trở thành nỗi buồn ngay từ ngày đầu năm mới cho mỗi người, mỗi gia đình. Chính quyền, công an các địa phương cũng cần kiểm tra, nhắc nhở, ngưng ngay các hoạt động gầy sòng cờ bạc tại các khu dân cư.

NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

        Giá dịch vụ chưa ngưng “chặt chém”

Năm nào cũng vậy, khi tết đến, giá các dịch vụ lại có dịp “chặt chém” khách, tranh thủ mấy ngày tết để hốt bạc. Lời phân bua “Tết mà!” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đi chơi tết, bởi không chỉ giá dịch vụ tăng cao mà chất lượng phục vụ lại kém xa so với ngày thường. Càng đáng phàn nàn hơn khi đến hôm nay, ngày tết đã qua rồi nhưng giá dịch vụ vẫn chưa chịu trở lại mức bình thường. Chuyện giá dịch vụ sau tết vẫn ngất ngưởng cho thấy các cơ quan chức năng có biểu hiện buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý những phản ánh của người dân.

Vì thế, ngoài việc người tiêu dùng cần cẩn trọng tự bảo vệ mình để tránh bị “chặt chém”, về phía các cơ quan quản lý, cần áp dụng hệ thống pháp luật, chế tài đủ nghiêm khắc để răn đe những người kinh doanh dịch vụ “chặt chém” và khẩn trương kiểm tra, xử lý những hành vi tăng giá tùy tiện.

VĂN THY HOÀNG
(Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)

        Đừng mãi đủng đỉnh đầu năm

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến hôm nay nhịp sống lao động sản xuất và các hoạt động xã hội đang trở lại bình thường. Ở các vùng nông thôn đã mở hội xuống đồng (lễ tịch điền, lễ khai hạ). Tuy nhiên dư vị của tết cùng với sự nhộn nhịp, hấp dẫn của mùa lễ hội đầu xuân đang khiến nhiều người còn đủng đỉnh trước công việc và trách nhiệm phải làm.

Năm nào cũng vậy, những ngày đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, tại một số cơ quan, công sở, các cán bộ, công chức đều đến đầy đủ, nhưng chỉ trà nước, chuyện trò vui vẻ, rồi sau đó rủ nhau đi chúc tết, tìm nơi tụ tập nhậu nhẹt. Nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa tiếp nhận đủ số công nhân trở lại làm việc, nên có những vị trí còn bỏ trống. Trong lúc đó, tại các đền chùa, lễ hội ngày nào cũng đông nghịt người, có cả các quan chức, công chức. Họ đến để thắp hương, khấn lễ cầu an, cầu tài, cầu lộc, tham quan, vãn cảnh, thư giãn đầu xuân, mặc dù kỳ nghỉ tết đã qua.

Mong các cơ quan, đơn vị cần nghiêm chỉnh duy trì nền nếp làm việc, lập kế hoạch, phân công phần việc, mục tiêu hoàn thành công việc ngay từ những ngày đầu năm, nhanh chóng lấy lại hứng khởi và ý thức làm việc công. Việc du xuân, đi lễ hội là nhu cầu của mỗi cá nhân nhưng không nên tranh thủ “8 giờ vàng ngọc” không để các cơ quan, công sở “vắng như chùa bà đanh” sau những ngày nghỉ tết.

THANH ĐỨC
(Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục