Cần cơ chế chính sách để tổ chức, bà con trồng rừng sống được

Chiều 7-6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) Các ĐBQH rất lo lắng về tình trạng rừng bị phá trầm trọng hiện nay.
Một góc rừng dẻ Quảng Lưu
Một góc rừng dẻ Quảng Lưu

Giường tủ, bàn ghế làm từ cả xúc gỗ to bày bàn công khai

Hà Nội là nơi  vừa trải đợt nắng nóng kỷ lục, được coi là  chảo lửa Đông Nam Á, cộng với sự cố cháy cả trăm ha rừng ở huyện Sóc Sơn; dự kiến chặt bỏ, di chuyển 1.300 cây xà cừ để mở rộng đường thông khiến người dân bức xúc… nên phần thảo luận về phát triển rừng rất được các ĐBQH Hà Nội quan tâm. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) phát biểu, rừng là thiêng liêng, bất cứ quốc gia nào, thời đại nào cũng phải giữ rừng nhưng hiện nay rừng đang bị phá hoại trầm trọng, rất xót xa. Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, đòi hỏi càng phải bảo vệ và phát triển rừng. “Luật không chỉ để cứu lấy lá phổi của chúng ta mà còn giữ lại những cảnh quan tươi đẹp để phát triển du lịch.  Từ thực tế vừa qua của Sơn Trà, cho thấy quy định về quy hoạch phát triển rừng cần chặt chẽ hơn”, ĐB Thích Bảo Nghiêm phát biểu. ĐB đề nghị luật cần quy địch rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã trong việc bảo vệ rừng.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm dẫn chứng từ thực tế Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục để nhấn mạnh rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để từng người dân đều phải có ý thức trồng cây xanh, bảo vệ xây xanh. Muốn thế chính quyền cũng cần ứng xử với cây xanh thật thỏa đáng.  “Ở nhiều nước, người dân muốn đốn hạ cây xanh dù trong vườn của mình cũng phải xin phép chính quyền. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của họ.  Phật giáo cũng dăn dạy không được đốn hạ cây xanh, đó cũng là một hình thức sát sinh, vì cây cối cho chúng ta sự sống, che mát cho ta”, Hòa thượng nói.  

Luật sư Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, do tác động của con người, diện tích rừng tự nhiên của chúng ta ngày càng giảm đi, vì vậy Luật phải làm sao để từng tổ chức, người dân đều phải có ý thức, trách nhiệm để bảo vệ, phát triển rừng. “Luật chưa có quy định cụ thể về quy hoạch rừng, bảo vệ rừng nên để rừng phát triển tự nhiên, chưa kiểm soát chặt chẽ việc phát triển dịch vụ khai thác rừng, lâm sản; chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn khi xảy ra sự cố cháy rừng.  Như vừa rồi cháy rừng ở Sóc Sơn, chúng ta cứu rừng rất thủ công. Chưa có trang thiết bị đầy đủ, chưa có chỉ đạo đồng bộ để ứng phó hiệu quả với sự cố”, luật sư Nguyễn Chiến chỉ ra.

ĐB Phan Việt Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị phải có chế tài thật nặng với việc khai thác lâm sản trái phép. “Giường tủ, bàn ghế làm từ cả xúc gỗ to bày bàn công khai ngoài đường mà không ai hỏi thăm dù không rõ xuất xứ. Thế thì làm sao rừng không bị phá hết”, ông Cường bức xúc.

“Lâm tặc là ai? Chính là dân của mình”

 “Kẻ thù của rừng là con người, bạn thân của rừng cũng là con người. Trồng rừng cũng là dân, phá rừng cũng là dân”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, ĐBQH tỉnh Hà Giang nói.

Dẫn chứng từ thực tế Hà Giang ngày xưa có những loại cây rừng quý hiếm như cây nghiến, cây đinh, cây trai, thông đá… nhưng đến nay cơ bản đã bị phá hết,  Thiếu tướng cho rằng một phần nguyên nhân là chưa có chính sách phù hợp để dân giữ rừng. “Dân họ sống gần rừng đặc dụng từ xa xưa rồi, nay không giao rừng cho họ quản lý, không cho họ vào rừng. Thế là cha chung không ai khóc, không giữ được rừng”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phát biểu. Cũng theo ông, có những thời kỳ ở Hà Giang rộ lên tình trạng lợi dụng dân để thu mua gỗ.  Dân chỉ đi vác một xúc gỗ 30-40 cân về bán là mua được cái điện thoại 1-2 triệu đồng mà nếu đi làm  cả năm họ không mua được. Chính lợi ích như vậy đã “khuyến khích” dân đi phá rừng. “Tôi tham mưu cho Chủ tịch, Bí thư tỉnh thành lập các tổ công tác gồm biên phòng kiểm lâm dân quân đi chốt giữ và tuyên truyền cho dân, vì vậy mới hạn chế được việc phá rừng”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho hay.

“Lâm tặc là ai? Chính là dân của mình. Nhưng không dựa vào dân thì không giữ được rừng, nên quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền để dân hiểu. Chúng tôi lấy kinh phí tuyên truyền hàng năm mua bò, trâu, lợn, tổ chức ăn uống, hội nghị đoàn kết quân – dân, vận động người dân biểu quyết từ nay không phá rừng. Rừng Hà Giang đến giờ giữ được là nhờ dựa vào dân”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho biết thêm. Theo ông, nếu chúng ta có biện pháp, giải pháp cụ thể tuyên truyền cho nhân dân thì mới giữ được rừng. Chẳng hạn những cây nghiến to ở nước ta giờ không còn nhiều, vì vậy nên đánh số thứ tự, giao cho dân giữ, chính quyền kiểm tra định kỳ. Làm như thế thì mới giữ được những cây gỗ quý mà hàng triệu năm mới có được. “Giữ rừng phải có các giải pháp cụ thể nếu không chỉ là hô khẩu hiệu thôi.  Giao cho dân giữ rừng. Những chỗ nào dân chưa vào được thì giao cho kiểm lâm. Còn vùng biên giới kiểm lâm không lên được thì giao cho các đồn biên phòng để vừa bảo vệ biên giới vừa bảo vệ rừng, sau này có điều kiện thì làm du lịch sinh thái”, Thiếu tướng đề xuất. Ông cũng cho rằng, quan trọng nhất để giữ được rừng là chính sách của nhà nước. Vì vậy, Luật lần này phải nghiên cứu kỹ để khi ra đời đi được vào cuộc sống thường ngày của dân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua thảo luận nổi lên vấn đề lớn, đó là cơ chế chính sách để tổ chức, bà con trồng rừng sống được. Họ phải sống được thì mới bảo vệ được rừng.  “Hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân ở vùng lõi rừng như thế nào, làm sao bảo đảm để họ sống được, đó là điều mà luật phải thiết  kế  được. Phân bổ nguồn lực quốc gia như thế nào để  hỗ trợ trồng rừng cũng phải tính”, ông Cường nói.

Tin cùng chuyên mục