Cần chiến lược liên kết vùng trong phát triển logistics

Ngày 17-9, Sở Công thương TPHCM phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam tổ chức hội thảo đầu kỳ “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo là vị trí của TPHCM: trung tâm cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ có chất lượng cao cho ngành logistics hay là trung tâm logistics?

Logistics là ngành mũi nhọn của TPHCM

Theo nhận định của Sở Công thương TP, TPHCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước với trên 10 triệu dân, vừa là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. TPHCM nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam, cùng với hệ thống hải cảng lớn (Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận...) nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh, thành, hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua TP.

Trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, TP có tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics. Nhìn từ Đông Nam Á, TPHCM vừa nằm cạnh các tuyến hàng hải trọng yếu trên biển Đông, nơi mỗi năm có trên 140.000 lượt tàu trọng tải trên 100.000 tấn (DWT) đi qua, vừa có hậu phương đất liền thuận lợi, có thể kết nối lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước.

Cần chiến lược liên kết vùng trong phát triển logistics ảnh 1 Cảng Tân Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Để tận dụng tốt nhất lợi thế, UBND TP đã giao Sở Công thương TP chủ trì xây dựng đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho biết, mục tiêu cơ bản của đề án là đánh giá toàn diện thực trạng ngành logistics TP, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đề xuất giải pháp phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP, trở thành đầu mối logistics của khu vực; góp phần kéo giảm chi phí logistics Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025.

Đề án hướng đến 3 mục tiêu: hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics TP dựa trên nguyên tắc liên kết vùng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thành lập 3 trung tâm logistics theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2015; nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng chuyên môn hóa để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để giữ vững được vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, thì việc hoàn thiện, trở thành đầu mối lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của TP có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh, thành khác là cần thiết. Một hệ sinh thái đầu ngành trong lĩnh vực logistics nếu không được hình thành tại TPHCM, thì địa phương nào có khả năng làm được điều này (theo kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025 do Chính phủ ban hành từ năm 2017) cũng cần được bàn bạc kỹ lưỡng.

Phải có sự gắn kết toàn vùng

Đi vào thực tế, Thạc sĩ Tô Thị Hằng, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, cho biết, tại TPHCM hiện có 6 ICD (còn gọi cảng cạn, cảng nội địa) nhưng 5/6 điểm đã có quyết định di dời, do vậy gần như các điểm này không có sự đầu tư về cơ sở vật chất lẫn công nghệ.

Hầu hết các cụm cảng của TPHCM đang tồn tại nhiều trở ngại, trong đó tắc nghẽn hạ tầng, kẹt xe nghiêm trọng, thiếu sự kết nối... được xem là các vấn đề nóng. Trong khi đó, theo quy hoạch hệ thống ICD giai đoạn 2020-2025, toàn TPHCM sẽ có 8 hệ thống ICD trên tổng diện tích 102 - 137ha, năng lực hàng hóa thông quan 1,38 - 1,89 triệu container.

Về hoạt động của các DN, tính đến tháng 3-2018, cả nước có 296.469 DN logistics, trong đó 54% DN tập trung tại TPHCM. Các DN thuần Việt Nam ở lĩnh vực logistics hiện nay, trừ vài công ty lớn, còn lại đều phải “làm F2”, tức là nhận thầu lại từ các công ty nước ngoài có mối quan hệ, có vốn. Đáng lưu ý, việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, thể hiện ở việc bỏ thầu giá thấp, thấp hơn cả chi phí diễn ra khá phổ biến khiến DN ngày càng còm cõi, thua thiệt ngay trên sân nhà.

Phát biểu đóng góp cho đề án, nhiều DN nhìn nhận, từ nay đến năm 2025, TPHCM vẫn giữ vững vai trò là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. Tuy nhiên, để ngành logistics phát triển bền vững, tránh tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm thì cần phải có một đề án phát triển tổng thể.

Theo đó, đề án cần bám sát các chủ trương, định hướng quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2030. Điều kiện tiên quyết để hình thành một trung tâm logistics chính là các cảng cạn, tức là phải có kho bãi và hệ thống thông quan thuận lợi. Trên thực tế, các ICD chưa có sự kết nối chặt chẽ ngay tại TPHCM cũng như với toàn vùng, đặc biệt là việc kết nối giao thông với các cụm cảng chưa được xem trọng. Vì vậy, nếu quy hoạch hệ thống ICD của TPHCM không gắn kết với các tỉnh, thành thì sẽ không phát huy hiệu quả khai thác một cách tốt nhất.

Cũng có ý kiến cho rằng, đề án cần làm rõ, TPHCM là trung tâm logistics hay là cung cấp dịch vụ logistics, từ đó có sự định hướng trong thu hút đầu tư phù hợp.

Để làm rõ những vấn đề DN đặt ra, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định, TP xây dựng đề án để hình thành các cơ chế, chính sách và tạo quỹ đất, tạo tiền đề cho DN hoạt động và phát triển bền vững; Nhà nước không đứng ra xây dựng các trung tâm logistics. Đến nay, ban soạn thảo đã hoàn thành khảo sát, điều tra chuyên sâu tại 61 DN, trong đó có 30 DN sử dụng dịch vụ logistics và 31 DN kinh doanh dịch vụ logistics. Dự kiến đề án sẽ được trình UBND TP xem xét phê duyệt vào tháng 12-2019.

Tin cùng chuyên mục