Cái tâm của giám đốc bệnh viện rất quan trọng ​

Những giằng xé về thanh toán bảo hiếm y tế (BHYT) giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn được đề cập nhiều trong thời gian qua. Trên diễn đang Quốc hội, nhiều ĐBQH cũng lên tiếng gay gắt về vấn đề này.
Cái tâm của giám đốc bệnh viện rất quan trọng ​
 Phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, xoay quanh câu chuyện này.
Cái tâm của giám đốc bệnh viện rất quan trọng ​ ảnh 1 Ông Bùi Sỹ Lợi
  PHÓNG VIÊN: Nhiều ĐBQH đã rất gay gắt khi đề cập đến câu chuyện thanh toán BHXH hiện nay và cho rằng đó là câu chuyện chưa đến hồi kết giữa ngành y tế và BHXH, chỉ có người bệnh là chịu thiệt thòi. Ông nghĩ sao về điều này?
 Ông BÙI SỸ LỢI: Vướng mắc cơ chế của BHYT mà 2 ngành đang có những khó khăn, chế định lẫn nhau là khách quan. Vì mục tiêu của ngành y tế là phải chăm sóc sức khỏe nhân dân ở mức tối đa, tiền phải tốt nhất, bảo đảm yêu cầu chữa bệnh. Còn BHXH là cơ quan của Chính phủ, giữ nguồn tiền của quỹ BHYT tập trung dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ), tức người ta phải giữ tiền, giữ cho chắc, chi cho đúng, công khai minh bạch và phải bảo toàn quỹ này.

 Nhưng bây giờ quỹ BHYT thì kết dư đang nhiều, nếu tính hết 2016 còn khoảng 47.000 tỷ đồng nhưng hết năm nay còn khoảng 37.000 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng là quỹ này trước đây từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách được Nhà nước hỗ trợ. Nên bản chất là 31% quỹ BHYT là từ ngân sách Trung ương. Không thể nói một đất nước nghèo kết dư quỹ BHYT nhiều như vậy mà chúng ta cứ chi cho thoải mái. Gia đình nào cũng vậy, nền kinh tế nào cũng thế, phải liệu cơm gắp mắm. Nhưng chăm sóc sức khỏe nhân dân thì không phải hoàn toàn là liệu cơm gắp mắm, mà quan trọng là phải biết quản lý làm sao khi người bệnh ốm, anh phải kê đơn đúng thuốc, cấp đúng loại, sử dụng đúng liều lượng, khỏi được bệnh. 

Có nhất thiết phải dùng thuốc đắt tiền, giá trị cao không trong khi thuốc nam, thuốc đơn giản có thể chữa được, đó là cái tâm của bác sĩ. Vấn đề đặt ra ở đây là chi cho đúng, cho trúng, không nên chạy theo giá thuốc cao, chất lượng cao vì có thể khỏi nhanh nhưng lại gây nhờn thuốc, lợi bất cập hại, bởi kháng sinh là con dao 2 lưỡi. Khi bệnh rất đơn giản anh không dùng thuốc đơn giản mà lại dùng quá cao, thì lần sau người bệnh ốm phải lại dùng thuốc cao hơn, vì đó đã là quy luật của chữa bệnh. Cho nên, ở đây đầu tiên là ngành y phải đổi mới từ cái tâm, người ta gọi là y đức. Phải quản lý y đức từ kê đơn thuốc, để vừa tiết kiệm quỹ BHYT nhưng vẫn bảo đảm chữa bệnh tốt nhất. Đó là nguyên tắc, Nhà nước không tiếc tiền khi chữa bệnh cho nhân dân nhưng tiết kiệm là ở chỗ thuốc gì đơn giản mà chữa được bệnh thì không nhất thiết phải dùng thuốc đắt tiền. 

Về phía BHXH cũng phải củng cố lại đội ngũ giám định viên, khi ngành y tế chi đúng chi đủ thì BHXH không nên tạo ra cơ chế cửa quyền. BHXH giữ tiền cho tốt nhưng phải chi cho đúng và không được để lãng phí. Người ta nói nhiều đến chi phí quản lý của BHXH là có lý do. Đó là vấn đề mà cả 2 ngành đều phải đổi mới.

 Như vậy ở đây là câu chuyện cả 2 bên phải điều chỉnh để người bệnh không chịu thiệt thòi?

 Phải đánh giá công bằng là BHYT của chúng ta đã mang lại lợi ích ngày càng tốt hơn cho người dân. Có 84% người dân tham gia BHYT, người dân được chữa bệnh bằng BHYT, đó là một thành tựu của đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam, là ưu việt của chế độ. Nhưng sự thật thì BHYT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người dân. Vì thế chúng ta phải điều chỉnh. Thứ nhất là điều chỉnh về cơ chế chính sách để thông thoáng hơn, phù hợp, bảo đảm minh bạch. Pháp luật là phải minh bạch để trong quá trình thực hiện người ta dựa vào cái gậy đó để thực thi. Thứ hai là phải thay đổi để giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ ngành y tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, tức là nâng cao y đức, tình cảm, trách nhiệm với bệnh nhân, lấy bệnh nhân làm trung tâm. 

Hiện nay ngành y tế đang có rất nhiều chủ trương tốt, nên cần phát huy. Ngành y tế không được lấy quyền mình là thầy thuốc để kê đơn bốc thuốc không đúng, gây áp lực cho người dân và lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Còn ngành BHXH giữ tiền phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, chi cho đúng, không để lãng phí nhưng cũng không nên coi mình là người giữ tiền thì trở thành người có quyền lực để gây áp lực cho ngành y tế. Bài toán chỉ là vậy thôi. Tôi cho rằng cần thay đổi cơ chế, chính sách, cái gì thuộc luật thì nghiên cứu, Quốc hội sẽ sửa. Cái gì thuộc cơ chế điều hành của Chính phủ thì Chính phủ sửa, còn lại là trách nhiệm của 2 ngành y tế và BHXH.

 Một ĐBQH trong ngành y là ĐB Nguyễn Lân Hiếu đã phát biểu rằng, để ngăn chặn trục lợi BHYT, không làm khổ người bệnh thì cần áp dụng tổ chức đấu thầu tập trung. Ý kiến ông ra sao?

 Đúng thế. Phải quản lý để không nâng giá thuốc lên. Vừa rồi đấu thầu 2.900 tỷ đồng tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng. Tại sao không đấu thầu toàn quốc? Tại sao lại để giám đốc sở y tế có quyền thành lập hội đồng đấu thầu giá thuốc vô bệnh viện? Vì thế mới có chuyện cũng viên thuốc này nhưng tỉnh này giá khác, tỉnh kia giá khác, rất vênh nhau. Lẽ ra phải có khung giá thuốc, và bảo đảm các tỉnh không được vượt khung. Như thế người dân mới đỡ khổ. Đó là cả vấn đề mà ngành y tế phải thay đổi cách quản lý.

 Một trong những lý do được nhiều người đưa ra để lý giải cho việc y đức giảm sút khiến người bệnh chịu khổ là do thu nhập của y bác sĩ thấp. Thực tế thì có những bệnh viện y bác sĩ thu nhập cao, nhờ đó người bệnh cũng được hưởng lợi. Theo ông là nhờ đâu?

 Tất cả những bệnh viện hiện nay lương cao là do họ thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm. Tức là bản thân họ tạo nên hình ảnh để trở thành địa chỉ đỏ cho bệnh nhân. Khi đó bệnh viện có việc làm thông qua chữa trị cho bệnh nhân. Chúng ta chuyển sang cơ chế tính đúng tính đủ tiền lương và chi phí khám chữa bệnh do BHYT chi trả, tức là nguồn đó đã chứa đựng tiền lương rồi. Khi bệnh viện chữa tốt, đông bệnh nhân thì lập tức thu nhập của y bác sĩ tăng lên, đó là hoàn toàn chính đáng.

TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã làm giám đốc bệnh viện tự chủ 10 năm nay, lương của bác sĩ nhân viên bệnh viện Tim Hà Nội  hiện nay cao nhất trong tất cả các bệnh viện. Hay ở Viện huyết học truyền máu Trung ương lương cán bộ cũng rất cao, mỗi năm viện dùng hết 1.500 tỷ đồng của quỹ BHYT và chất lượng chăm sóc người bệnh rất tốt. Vừa qua khi bác sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng về hưu thì cả bệnh viện nghẹn ngào quyến luyến đã tạo nên một hình ảnh thực sự xúc động của ngành y. Ở những bệnh viện này, họ không kêu gì về BHYT, bởi vì người đứng đầu họ có trách nhiệm. Cái tâm của giám đốc bệnh viện là rất quan trọng.

Nhưng tự chủ cũng cần hết sức tránh tình trạng là xã hội hóa, lắp đặt máy móc thiết bị để nâng giá lên, thu không đúng quy định. Hoặc đặt một máy móc, thiết bị mới lẽ ra quy trình thu để bù đắp chi phí trong vòng 10 năm thì anh chỉ thu trong 5-7 năm thì có nghĩa là nâng giá lên, khiến người bệnh phải gánh hết.

 Cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục