Cải lương hoài vọng

Đó là câu chuyện từ những năm thập niên 80 thế kỷ trước, thời ấy phần nào còn đang giai đoạn vàng son của sân khấu cải lương. 
Cải lương hoài vọng
Ở quê tôi, phải lâu lắm mới có một gánh cải lương về hát cho bà con xem. Gánh hát thường quây thành vòng rào, diễn ở khu nhà lồng chợ hoặc khoảng sân rộng trong ủy ban xã, thị trấn. Nào dám mơ đến những đoàn cải lương lớn, những gánh tên tuổi trong ký ức tuổi thơ tôi chỉ là những gánh hát nhỏ, do các ông bầu mê cải lương tự bỏ tiền đầu tư, đứng ra quy tụ nghệ sĩ và tổ chức lưu diễn cho người dân khắp vùng quê nghèo. Thời ấy, người ta vẫn hay gọi là “gánh hát” chứ không phải gọi đoàn hát, có lẽ do mỗi lần đi lưu diễn, ngoài một chiếc xe lớn chở toàn bộ phông màn, đạo cụ và gia đình ông bầu, còn lại mỗi nhân viên, nghệ sĩ đều phải tự gồng gánh phần hành lý của mình. 
Lớn thêm một chút, những năm tôi học cấp hai, gánh hát có quy mô hoành tráng hơn, điểm diễn khi là khu trung tâm của xã, khi là cái sân đá banh rộng thênh thang, cũng có khi là mấy đám ruộng lớn vừa gặt xong còn trơ gốc rạ. Chừng 3 giờ chiều, chiếc xe lôi chở người của gánh hát đi vòng quanh khắp các ngõ ngách thôn xóm, vừa phát loa, vừa phát tờ rơi giới thiệu nội dung vở tuồng và các nghệ sĩ sẽ diễn vào buổi tối. Tiếng trống thùng thùng theo từng vòng xe khiến đám con nít tụi tôi mê tít, vừa reo hò vừa chạy theo để lượm tờ rơi. Trời vừa sập tối, những tiếng trống dồn dập rồi dàn âm thanh công suất lớn từ gánh hát cứ như thôi thúc mọi người. Đám trẻ xóm tôi không hẹn mà đứa nào cũng giỏi giang, siêng năng ra phết, tranh thủ học bài thật sớm, nấu cơm chiều thật nhanh, tắm rửa giặt giũ gọn gàng để tối còn í ới nhau đi coi hát. 
Rồi giờ phút thần thánh cũng đến. Những người già lỉnh kỉnh xách theo giỏ trầu cau và nước uống, đám trẻ con thì cầm con cúi đi trước dẫn đường, đứa nào thuộc dạng sang chảnh lắm mới có được vài viên kẹo gói giấy kiếng bỏ túi. Người ta chen chúc nhau trước quầy bán vé nhỏ xíu phía trước rạp, đám con nít đứa nào cũng chỉ được cho vài trăm đồng ăn bánh nên chẳng có tiền mua vé. Vậy là cả đám cứ quây quần túm tụm trước cửa rạp, ngóng tìm có người quen vào xem là xin vô ké, bởi vé mỗi người lớn được phép kèm theo một trẻ em. Ngóng mãi đến lúc sân khấu mở màn mà vẫn chưa được vào rạp, bọn tôi chia thành từng nhóm 2 - 3 đứa tỏa ra khắp nơi để tìm “chui lỗ chó”. Thông thường vòng rào được dựng bằng tôn, một số nơi quây bằng bao bố. Những mảnh bao bố lâu ngày bị ẩm ướt, mục nát là nơi lý tưởng để đám trẻ mạnh tay xé rộng chui vào. Đám con trai thì có giải pháp rất ư hiệu quả: trèo lên những cành cây điệp, cây phượng, cây bàng xung quanh rạp, chọn những chạc ba vững chắc và thong thả nằm đấy mà xem đến hết tuồng. Cũng nhiều khi đám chui lỗ chó gặp sự cố dở khóc dở cười, vừa mướt mồ hôi chui được vào rạp thì gặp ngay ông bảo vệ xách cổ đuổi ngược trở ra. Những lúc ấy, bọn tôi chỉ còn cách đứng ngoài ngóng cổ cò mà nghe, đợi đến khi “xả giàn” - thường khoảng 2/3 tuồng hát - thì mới được mở cửa cho vào xem. 
Mỗi khi có gánh hát về, từ xã đến huyện cứ vui như ngày hội. Những người già được thỏa nỗi đam mê, đám con nít được vui chơi thỏa thích mỗi tối, còn cánh thanh niên nam nữ thì được dịp “hợp pháp” để tình tứ hẹn hò. Khấm khá nhất có lẽ là đội quân bán hàng rong luôn xôm tụ và sôi động, dù món hàng chỉ là kẹo, thuốc lá, mía chặt khúc, đậu phộng luộc, bắp rang, nước đá si rô xanh đỏ… Nói là đặc biệt, vì ngày thường những món ấy với bọn trẻ là quá xa xỉ, ngay cả lúc tiệc tùng cũng ít khi có được. 
Là thời đỉnh cao nhưng thu nhập của các nhân viên gánh hát còn khá ít ỏi, trừ những nghệ sĩ có tên tuổi. Những ngày nghỉ, các nghệ sĩ chính, các thầy đờn thường được các chú, các bác khá giả ở làng xã mến mộ, mời đến nhà giúp vui dăm câu vọng cổ, vài bài tân cổ giao duyên quanh bàn rượu bữa tiệc gia đình. Tất cả xuất phát từ sự mến mộ, lòng yêu thương nghệ sĩ. Tất nhiên khi ra về, các anh chị đào kép cũng được thêm một khoản thù lao khá hậu hĩnh. 
Cải lương, hơn chục năm gần đây đang rơi vào cảnh đìu hiu, không còn sức hút đối với khán giả trẻ, người mộ điệu lớn tuổi cũng dần thưa vắng. Thật đau lòng khi nghĩ đến nền nghệ thuật đã làm say mê cả dân tộc suốt hơn một thế kỷ, giờ chịu cảnh hẩm hiu. Phổ biến nhất hiện nay là việc kết hợp, đưa đờn ca tài tử vào phục vụ khách du lịch, vừa quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống, vừa là một phương cách để nghệ sĩ thỏa nỗi nhớ nghề. Những vở cải lương kinh điển vẫn mong chờ được sáng đèn trở lại, nhiều nghệ sĩ tâm huyết vẫn ấp ủ bao dự án để sân khấu cải lương tìm lại khán giả cho mình. Khán giả vẫn yêu thương thì nghệ thuật cải lương vẫn còn. Luôn mong mỏi là vậy… 

Tin cùng chuyên mục