Cách tránh bị ngạt khói trong đám cháy

Ngạt khói rất nguy hiểm bởi sẽ bị gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp, dẫn đến tử vong rất nhanh.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza ở quận 8, TPHCM để lại hậu quả đau lòng, nhiều bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực - chống độc ở các bệnh viện cũng như lực lượng Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân quan tâm, tiếp thu nhiều biện pháp để tự bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là hỏa hoạn xảy ra ở chung cư cao tầng...
Cách tránh bị ngạt khói trong đám cháy ảnh 1 Cảnh sát PCCC cứu hộ các nạn nhân vụ cháy
Trang bị kỹ năng nhất định  Người ngạt khói, nếu nhẹ,  thường có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu; ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong. Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí là khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, tóc… nặng thì bỏng đường thở, rối loạn các chức năng do nhiễm độc khí. Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra chậm, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt. Theo thống kê của tạp chí y khoa eMedicineHealth, ngạt khói chiếm 50% - 80% nguyên nhân tử vong trong các vụ hỏa hoạn.  Vậy khi gặp đám cháy, nhất là cháy ở các chung cư với khói mù mịt, dễ làm người dân mất phương hướng, thì phải xử lý cấp tốc thế nào để tránh bị ngạt khói, bảo vệ tính mạng bởi khác với các căn hộ dưới mặt đất, khi xảy ra sự cố, việc thoát hiểm của người sống trong các tòa nhà cao tầng khó khăn và nguy hiểm hơn. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, mỗi người cần trang bị những kỹ năng nhất định để bảo vệ mình và người thân. Đó là: - Khi có dấu hiệu hỏa hoạn như khói, mùi khét phải cúp tất cả cầu dao điện, báo động - gọi cứu hỏa và dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa gần chỗ mình.  - Khi có chuông báo cháy, nên đội nón bảo hiểm (loại có kính, trùm đầu) để thoát ra. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy; lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra. Không chen lấn, xô đẩy nếu không muốn việc thoát hiểm khó khăn hơn. - Có thể dùng búa, vật cứng phá cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói.  - Nếu lửa cháy lớn, hãy đội nón bảo hiểm có kính hoặc toàn đầu thoát qua đám cháy. Nhớ quấn quần áo ướt kín người. - Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, bạn cần dùng khăn ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ra ban công, cửa sổ thoáng khí. - Dùng đèn pin, điện thoại vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu. - Trong mọi tình huống, không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Tìm cách di chuyển ra ban công, lên tầng thượng - nơi thoáng khí nhất có thể. Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói Các bác sĩ cũng lưu ý thêm khi chúng ta xác định được nguyên nhân chính gây tử vong khi có hỏa hoạn là khói thì điều cần làm trước tiên là di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói.  Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói độc gây nguy hiểm. Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn bay trên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào ở mức thấp nhất có thể. Sơ cứu nạn nhân về ngạt khói, các bác sĩ khuyến cáo cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Khi đưa đến phòng cấp cứu, nạn nhân sẽ được tiếp ôxy, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và mức phản ứng của nạn nhân. Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. Trong quá trình tới bệnh viện, nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.

Tin cùng chuyên mục