Cách phòng ngừa và xử lý khi có cháy

Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát PCCC quận 11, các dãy phố nhà liền kề; cơ sở có diện tích nhỏ, cả 3 mặt nhà bị bịt kín bởi các công trình, nhà dân xung quanh, lối vào chính sử dụng cửa cuốn nên khi xảy ra sự cố cháy nổ rất dễ dẫn đến thiệt hại về người khi không có lối thoát.
Điển hình như vụ cháy quán cà phê trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) vào rạng sáng 16-12-2016, làm 6 người tử vong, một lần nữa báo động nguy cơ cháy và hậu quả từ những vụ cháy nhà phố rất đáng lo ngại. 
Cách phòng ngừa và xử lý khi có cháy ảnh 1  Khi phát hiện có cháy nên báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114
 Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC quận 11 khuyến cáo người dân sống và làm việc tại nhà, công trình có dạng ống, những cách thoát nạn và xử lý khi có sự cố như sau:
- Trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu, lối ra thoát nạn, cầu thang (như ô tô, xe máy…). Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất dễ cháy trong nhà; để ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.
 - Tại các tầng lầu phải bố trí ban công thông thoáng, không đặt các biển quảng cáo lớn che hết mặt tiền; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can; trường hợp đã lắp thì có cửa (đảm bảo đủ kích thước) chốt trong và không được khóa; nếu có khóa phải trang bị búa, rìu và treo chìa khóa bên cạnh. Trường hợp cửa có nhiều ổ khóa, nên sử dụng các loại khóa có kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và để chìa khóa nơi dễ thấy, dễ lấy. Khi điều kiện cho phép, nên xây tường ngăn cách giữa ban công với các ô cửa sổ, lỗ mở của các gian phòng khác để ngăn cháy và ngăn khói, nhiệt tác động vào ban công, an toàn cho việc thoát nạn.
 - Sân thượng, tầng mái của ngôi nhà cần bố trí khoảng thông thoáng và các lối có thể sang được mái nhà bên cạnh.
 - Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy, búa, rìu, phương tiện phá dỡ đặt ở trong nhà; các dụng cụ thoát nạn như thang dây, dây thừng thoát nạn... Mọi người trong gia đình phải tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã được trang bị.
 - Khi sự cố cháy nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý; tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuyệt đối không nhảy xuống phía dưới để thoát nạn, trừ khi có đệm hơi và sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom). Đặc biệt, khi có trẻ em cùng thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn (mền) ướt lên người trẻ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.
- Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114; đồng thời sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay thời điểm ban đầu.

Tin cùng chuyên mục