Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tiếp cận theo hướng quốc gia thông minh

Bên lề APEC, ông Anthony Tan, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Khu vực ASEANTập đoàn Underwriters Laboratories (UL) đã dành riêng cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn xoay quanh các vấn đề liên quan cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tiếp cận theo hướng quốc gia thông minh

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) diễn ra liên tục từ ngày 8 đến ngày 10-11 được xem là hoạt động đặc biệt quan trọng tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu của Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới; trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Walmart, Facebook, Exxon Mobile, Fedex, Underwriters Laboratories…

Một trong những nội dung quan trọng mà các quan chức, đại diện các tập đoàn tập trung thảo luận là các vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Nó sẽ tác động đến khu vực như thế nào và làm gì để khai thác lợi ích của việc này trong khi xã hội đang chuẩn bị để thích ứng?
Bên lề hội nghị, ông Anthony Tan, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Khu vực ASEAN Tập đoàn Underwriters Laboratories (UL) đã dành riêng cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Các nền kinh tế thành viên APEC phải đối mặt với những thách thức và cơ hội nào khi tận dụng cuộc CMCN lần thứ 4 này, thưa ông?

- Ông ANTHONY TAN: Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều hiểu rằng cuộc cách mạng này đã bắt đầu diễn ra rồi, và tất cả mọi người đều đang cố gắng nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội và tiếp nhận nó. Một thách thức mà chúng ta đều phải đang đối mặt là cố gắng hiểu vai trò của Chính Phủ trong việc đưa ra những chính sách, quy định để đảm bảo có thể hỗ trợ tận dụng cuộc CMCN lần thứ 4 này, đặc biệt liên quan tới an ninh mạng, tới việc đảm bảo tất cả các thiết bị trong các nhà máy thông minh hay ngôi nhà thông minh có thể giao tiếp được với nhau.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp hay các nhà sản xuất khi tạo ra những thiết bị, dụng cụ, trang bị đều dựa trên những nền tảng tiêu chuẩn khác nhau. Đó là một thách thức mà các quốc gia thành viên của APEC đang phải đối mặt nhưng tất cả đều đang cố gắng bước tiếp, thực hiện những điều đúng đắn và tiếp nhận những thay đổi này. 

Nếu bạn nghĩ về một quốc gia thông minh, nó sẽ tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân của bạn, khi tất cả được kết nối với nhau và thông tin rõ ràng. Với các dữ liệu, bạn có thể bước ra khỏi nhà khi mà xe buýt hay các phương tiện di chuyển đã sẵn sàng ở đó. Điều đó làm tăng chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Thứ hai đó là về việc củng cố cộng đồng, mà nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được.

Cuối cùng, nó tạo ra nhiều cơ hội cho mỗi người dân của mỗi quốc gia. Từ một góc độ cao hơn, mỗi quốc gia đều muốn đạt được điều đó, như Chính Phủ Việt Nam, hay như tại nơi tôi sống - Singapore, chính phủ đất nước chúng tôi tạo ra hướng tiếp cận theo hướng quốc gia thông minh và tất cả đều nhằm đạt được 3 mặt chính yếu: làm cho tiêu chuẩn sống tốt hơn; tạo ra một cộng đồng kiên cố hơn; tạo ra nhiều cơ hội hơn cho mỗi người trong nước.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tiếp cận theo hướng quốc gia thông minh ảnh 1 Ông Anthony Tan

Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam để thực hiện cuộc CMCN lần thứ 4?

Tôi muốn nói rằng, bước đầu tiên cần làm là có sự phê chuẩn từ các cấp, các ngành cao nhất. Và trong trường hợp của Việt Nam, Thủ tướng Chính Phủ của đất nước các bạn đã đưa ra một chỉ đạo mạnh mẽ, cùng với các ủy nhiệm về việc đón nhận cuộc CMCN lần thứ  4. Và theo tôi, đó là một khởi đầu tốt đẹp.

Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Việt Nam cũng đã nhấn mạnh cần phải tập trung vào phát triển toàn bộ nguồn nhân lực để hỗ trợ cho nỗ lực đón nhận cuộc cách mạng này, đồng thời tập trung xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã thực sự đón xu thế, thông qua việc ứng dụng chính phủ điện tử (e-Government); đồng thời tạo ra các nền tảng để góp phần hỗ trợ cho việc đón nhận cuộc cách mạng này.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta nhìn vào cách tiếp cận của Thủ tướng Chính phủ một cách tổng thể, tất cả đều hướng tới việc từ Trung ương đến địa phương cần góp phần tham gia hỗ trợ cho nỗ lực này. Chúng ta có Bộ KH-CN, Bộ TT-TT dẫn đầu nỗ lực này và cùng với đó là sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB & XH, BộGD - ĐT để giải quyết các mặt về nguồn nhân lực.
Như vậy, cuối cùng thì, không chỉ cần có sự sẵn sàng về mặt cơ sở hạ tầng mà cần có sự sẵn sàng về mặt nhân lực. Do đó, việc đón nhận cuộc CMCN lần thứ 4 có thể thật sự được diễn ra tốt đẹp.

*Việt Nam và các nước thành viên APEC nên chuẩn bị như thế nào để có thể hợp tác cùng nhau đạt được kết quả này, thưa ông?

Với Việt Nam, tôi nghĩ vai trò của Chính phủ là cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách, và khuyến khích đổi mới cho cuộc CMCN lần thứ 4. Đồng thời, thật sự tạo ra một môi trường mà ở đó việc thử nghiệm, hỗ trợ đổi mới cho các doanh nghiệp đến với Việt Nam có thể trải nghiệm một cách dễ dàng. Điều này cũng nên được làm tương tự đối với các thành viên APEC.

Mặt khác, Chính phủ không chỉ giao phó cho một bộ phận mà cần phải có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Tất cả đều cần tham gia và cùng đi theo đường lối đó.
Một ví dụ cụ thể tôi muốn đưa ra là ở đất nước chúng tôi - Singapore. Về cách tiếp cận của đất nước chúng tôi đó là huy động toàn bộ các Bộ và với một nỗ lực không ngừng, chúng tôi gọi đó là tiếp cận quốc gia thông minh tức là Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nỗ lực đó và kết hợp với không chỉ tất cả các Bộ trong bộ máy mà còn bên ngoài.

Tôi muốn nhắc đến sự hợp tác công tư (PPP), sự hợp tác này sẽ cho phép Chính phủ chia sẻ trách nhiệm với khu vực tư nhân. Sự hợp tác này cho phép Chính Phủ tận dụng được nhiều năng lực. Ví dụ cho phép các phòng thử nghiệm độc lập để thử nghiệm và tiến hành đảm bảo an toàn, an ninh của các sản phẩm, hệ thống và các giải pháp. Ngoài ra, PPP có thể tham gia vào đổi mới. Chính Phủ chưa chắc đã có tất cả các giải pháp hay câu trả lời nhưng khu vực tư nhân có thể xem xét và đưa ra đề xuất rất nhanh chóng.

*Những sản phẩm mới nào của UL sẽ thích hợp với những đối tác Việt Nam trong kỷ nguyên mới này, thưa ông?

Đối với chúng tôi, thật ra đó không hẳn là sản phẩm, mà là các dịch vụ chúng tôi mang đến để hỗ trợ cho nỗ lực đón nhận cuộc CMCN lần thứ 4. Ví dụ, một lĩnh vực mà chúng tôi chắc chắn có thể sẽ hỗ trợ đó là thanh toán điện tử. Các giao dịch thanh toán điện tử được đảm bảo an ninh, và chúng tôi đang làm việc với NAPAS (Thẻ thanh toán Quốc gia Việt Nam) để đảm bảo phương thức thanh toán điện tử.

Một ví dụ khác đó là về lĩnh vực nhà thông minh hay nhà máy thông minh. Tôi cũng đã đề cập về việc kiểm tra tính tương tác của mỗi thiết bị để đảm bảo các thiết bị, kể cả các thiết bị sản xuất có thể kết nối với nhau và có thể có tính tương tác để giao tiếp với nhau. Đó là lĩnh vực chúng tôi có thể giúp đỡ kiểm tra.

Một lĩnh vực khác mà hầu hết mọi thứ đang kết nối, một lĩnh vực vô cùng thiết yếu và cũng là mối quan ngại, đó là an ninh mạng. Đây là dịch vụ chúng tôi chắc chắn sẽ mang đến Việt Nam.

Điểm cuối cùng là kiểm tra an toàn cho tất cả các thiết bị. Một ví dụ đó là trong rất nhiều thiết bị sử dụng pin, hiện nay là sử dụng pin lithium ion. UL có rất nhiều lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực này mà chúng tôi có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cũng như ngành công nghiệp liên quan.

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục