Các nhiệm vụ cần triển khai cho khu đô thị sáng tạo

Tham luận tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2018, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đã đề xuất 5 nhiệm vụ cần làm ngay để hình thành vóc dáng Khu đô thị sáng tạo (ĐTST) tại TPHCM, cũng là đầu tiên của cả nước.
Sinh viên thực hành tạo sản phẩm cơ khí. Ảnh: CAO THĂNG
Sinh viên thực hành tạo sản phẩm cơ khí. Ảnh: CAO THĂNG

5 ưu tiên

TPHCM cần thành lập một hội đồng ĐTST thành phố hay một ban chỉ đạo, bao gồm một nhóm nhà lãnh đạo từ các thành phần khác nhau trong xã hội, có tầm ảnh hưởng và thẩm quyền để thúc đẩy các khu vực đổi mới, hay thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm. Tổ chức này có nhiệm vụ đề ra những nguyên tắc để gắn kết các bên liên quan và đóng góp những thế mạnh khác nhau của mình vào quá trình xây dựng khu ĐTST. Song song với một quy hoạch mang tính dài hạn, cần thúc đẩy các sáng kiến ngắn hạn, các liên kết từ những đối tác đã có và đang hoạt động tại khu Đông, có 5 ưu tiên như sau:

Đầu tiên, sau những hội thảo, những thảo luận ở mức độ hàn lâm, tầm chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra một tầm nhìn cho khu ĐTST phía Đông. Điểm mấu chốt của một tầm nhìn như vậy cần dựa trên một tiếp cận toàn diện với mục tiêu chiến lược dài hạn và những mục tiêu ngắn hạn trong từng năm. ĐTST cũng không nên là một dự án riêng lẻ, chơi vơi, mà cần dựa vào những kế hoạch và kết quả ban đầu từ 7 chương trình đột phá của thành phố, sự phát triển của các ngành sản xuất kinh tế, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hóa chất, điện tử), gắn với các chương trình, kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM. Quan trọng hơn, khi tầm nhìn này được văn bản hóa, toàn bộ hình dung về khu đô thị phía Đông cần được công khai như một định hướng phát triển và một cam kết chính sách của lãnh đạo cao nhất của TPHCM về những bước tiếp theo với người dân, cũng như các bên liên quan.

Thứ hai, gia tăng những kết nối của các phân khu - các đơn vị tại khu Đông Bắc. Khu vực này có những đơn vị mạnh như khu Công nghệ cao, khu đô thị mới, trung tâm tài chính quận 2 và 12 trường đại học ở quận Thủ Đức. Tất nhiên không thiếu những hoạt động, sáng kiến, chương trình được thiết kế, triển khai dựa trên những thế mạnh riêng. Giữa Khu Công nghệ cao TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM, một sáng kiến kết nối về giao thông thân thiện cho việc đi bộ hay đi xe đạp có thể giúp tạo nên một không gian gần gũi, sự gắn kết về mặt địa lý, tạo nên trục xương sống cho các hoạt động giao lưu về khoa học và sáng tạo. Sự kết nối là tâm điểm quan trọng, trong đó bao gồm cả những kết nối “phần cứng” như giao thông hay đường sá, lẫn kết nối “phần mềm” qua các chương trình liên kết, hợp tác giữa các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn. Khởi động các kết nối cần một quy hoạch tổng thể với lộ trình chiến lược, sự tham gia của nhiều bên liên quan, cùng với cơ chế khuyến khích các sáng kiến hay của cộng đồng.

Thứ ba, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp cho khu ĐTST. Cuộc thi này một mặt truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về xây dựng khu ĐTST, thông minh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mặt khác kết nối sự quan tâm của nhiều thành phần trong xã hội, tạo tiền đề để thu hút và kết nối các nguồn lực của xã hội, từ doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp, tổ chức quốc tế cho các dự án cụ thể tại khu ĐTST.

Thứ tư, với quan điểm và mục tiêu chung phát triển khu ĐTST phía Đông mang tính lâu dài, việc xây dựng một hệ thống tiêu chí cụ thể để thực hiện mục tiêu đó là cần thiết. Dựa trên việc lựa chọn các chiều cạnh, cũng như các chỉ số và thông số từ các nghiên cứu của TPHCM đã thực hiện, có một số nguyên tắc cần chú ý như: Việc thu nhập dữ liệu có ý nghĩa hết sức quan trọng, dữ liệu phải dễ dàng thu thập trong một thời gian dài và phải có hiệu quả về chi phí; dữ liệu phải nhạy cảm với những thay đổi và dễ hiểu đối với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, khi có thể, rất nên lựa chọn các chỉ số theo chuẩn quốc tế đã được công bố công khai; các thước đo cần kết hợp các dữ liệu định tính và định lượng; việc lựa chọn các chỉ số và thông số cần được tiến hành thông qua một quá trình có sự tham gia của nhiều nhóm đối tác.

Cuối cùng, xây dựng một kế hoạch xúc tiến, hợp tác với các đối tác “sáng tạo” trong khu vực và thế giới. Chúng ta có thể gọi nôm na là chương trình “ngoại giao sáng tạo” ở tầm thành phố với thành phố, gồm các đầu mục công việc cụ thể. Đó là, tham gia mạng lưới các thành phố trên khu vực và thế giới có cùng tầm nhìn và mục tiêu; thiết lập mối quan hệ đối tác với các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín ở nước ngoài có các chương trình về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thiết lập mối quan hệ và hợp tác với tập đoàn công nghệ có uy tín trên thế giới và châu Á; thiết lập mối quan hệ và hợp tác với các nhóm đầu tư và quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ, các công ty khởi nghiệp trên thế giới và châu Á; xây dựng các kênh truyền thông bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, để truyền thông điệp sáng tạo của TPHCM ra thế giới.

Thí điểm thể chế

TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước, đồng nghĩa là lực hấp dẫn cho nguồn tài chính, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở khắp nơi đổ về. Nhưng đó cũng chính là sức ép tạo nên mật độ dân số gấp 15 - 20 lần cả nước, cùng với nhu cầu về điện, đường, trường, trạm và các yêu cầu khác ngày càng đa dạng của người dân thành thị phục vụ cho cuộc sống. Giải quyết các vấn đề này không những đòi hỏi mức độ đầu tư lớn hơn trên một đơn vị diện tích, mà cần cả một khung chính sách đặc thù, một cách làm sáng tạo phù hợp với một đô thị đặc biệt của cả nước. 

Vì thế, đề án khu ĐTST phía Đông của TPHCM được đặt ra trong bối cảnh quá trình dịch chuyển kinh tế của thành phố đang diễn ra mạnh mẽ và quan trọng hơn: Vị trí kinh tế của TPHCM ở nhiều mặt - dù vẫn là quan trọng nhất cả nước - nhưng đang có dấu hiệu suy giảm, động lực phát triển chậm lại, khoảng cách với các thành phố hàng đầu châu Á có khả năng ngày càng giãn ra. Việc đầu tư vào chương trình này kỳ vọng sẽ tạo ra một kịch bản phát triển mới để tạo động lực phát triển trong giai đoạn 2021-2025.

ĐTST còn là một thí điểm của thể chế, điều có thể mới ở một số nơi, nhưng là một truyền thống ở thành phố này khi các thử nghiệm về chính sách, về con người, về cách làm mới luôn được khuyến khích, tạo cơ hội thực thi và khi được chứng minh là có cơ sở thì lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước.

Tin cùng chuyên mục