Ca sĩ Huỳnh Lợi: Âm nhạc cách mạng giúp tôi trưởng thành hơn

Giọng ca chứa chan tình ấy là của ca sĩ Huỳnh Lợi. Anh dường như không biết mình đã hát xuất thần ra sao trong đêm ấy…
Ngày cuối của chuyến hành trình về nguồn Biên giới thương yêu của đoàn văn nghệ sĩ TPHCM về với Hà Giang là trạm dừng chân viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và tổ chức đêm nhạc Hát về anh. Tất cả đều rưng rưng xúc động, giữa núi rừng Hà Giang, giữa hàng ngàn ngôi mộ của các chiến sĩ đã yên nghỉ. Trong ánh nến lung linh, bất chợt một giọng ca thổn thức: Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/Hà Giang đã ngưng chiến trận…
Giọng ca chứa chan tình ấy là của ca sĩ Huỳnh Lợi. Anh dường như không biết mình đã hát xuất thần ra sao trong đêm ấy…
Ca sĩ Huỳnh Lợi: Âm nhạc cách mạng giúp tôi trưởng thành hơn ảnh 1 Ca sĩ Huỳnh Lợi trong chuyến về nguồn ở Hà Giang
PHÓNG VIÊN: Có lẽ không ít người có mặt ở đây đêm nay sẽ có cùng cảm giác như tôi, lần đầu tiên trong đời nghe một giọng ca, một ca khúc truyền cảm đến vậy… 
Ca sĩ HUỲNH LỢI: Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố: sự linh thiêng ở ngay nơi các anh đang yên nghỉ, không gian trầm mặc, mùi thơm của khói nhang, sáng tác của nhạc sĩ Trương Quý Hải quá xúc động, gợi đúng tâm trạng của những người còn sống hôm nay tưởng nhớ về những người đã khuất. Và nhất là người ca sĩ đã có sự hóa thân, đồng cảm sâu sắc… Tất cả những điều đó đã tác động lên mọi giác quan của khán giả. Bản thân tôi cũng cố gắng kìm chế để không rơi nước mắt. Tôi đã phải dùng kinh nghiệm cộng với bản lĩnh sân khấu để kìm lại và hát đến hết bài.
Trước đây anh đã từng hát ca khúc này?
Thú thật là tôi chưa từng biết tới ca khúc Về đây đồng đội ơi. Trước chuyến đi, anh Trung, Phó phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên Giáo Thành ủy đã gọi tôi ra quán cà phê để bàn về việc tổ chức chương trình văn nghệ tại Nghĩa trang Vị Xuyên. Anh giao cho tôi ca khúc này và đề nghị tôi sẽ hát. Khi mở bài hát ra, tôi thấy lời khá dài và còn có nhiều con số nên cũng lo. Nhưng chỉ nghe qua mấy câu đầu là tôi thấy thích và nhận lời ngay. Thời gian gấp rút, chúng tôi đã không thể tập luyện trước… Đêm tập hát là trước đêm biểu diễn. Trước lúc lên sân khấu, tôi đã thầm khấn các anh. Nếu các anh không phù hộ, tôi đã không thể nhớ hết các số liệu trong ca khúc Đài hương 468 ta hội quân… Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ. 772, 685 anh em đang về. Và kia 1.100, 233 Cô Ích, bốn hầm, bờ suối, dốc núi, anh em về dần… 
Ngay sau đêm diễn, tôi thấy việc mình nhận hát ca khúc thật đúng và ý nghĩa. Rất cảm ơn những chuyến đi như thế này, nó đã cho tôi những trải nghiệm, giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc và nhận thấy mình phải làm gì cho xứng đáng với những người đã ngã xuống.
Anh đã có nhiều chuyến đi thế này…
 Đây là chuyến về nguồn thứ ba của tôi, trước đó là Côn Đảo, Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị… Suốt chiều dài đất nước, biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ như thế. Sự mất mát, hy sinh to lớn khiến tôi càng đi, càng cảm nhận mình thấy phải sống và làm việc tích cực hơn nữa.
Là ca sĩ hát rất thành công các ca khúc truyền thống cách mạng, anh suy nghĩ gì về những sáng tác thuộc đề tài này hiện nay?
Theo tôi, thời đại nào sẽ có sáng tác theo nội dung thời đại đó. Mỗi giai đoạn xã hội có những định hướng riêng của Đảng, Nhà nước. Để có cảm xúc sáng tác và có được những sáng tác thành công, các nhạc sĩ cần đi thực tế nhiều hơn, tham gia những chuyến đi như thế này chẳng hạn. Chúng tôi, những ca sĩ rất cần những ca khúc viết ở thời đại, những sáng tác có tính liên tưởng về quá khứ, những ca khúc mang tính giao thoa, đó cũng chính là những bài học giáo dục cho giới trẻ. Một cách giáo dục tích cực và nhẹ nhàng. 
Đối với việc hát nhạc cách mạng cũng vậy, quan niệm của tôi là truyền tải một cách thật nhẹ nhàng. Làm cách mạng cũng là những con người, không phải là những siêu nhân. Nhẹ nhàng nhưng thấm sâu!
Ca sĩ Huỳnh Lợi có chất giọng nam cao đầy nội lực. Anh được xem là một trong những giọng ca kế thừa của những nghệ sĩ gạo cội Quốc Hương, Trung Kiên, Quang Thọ, Trần Hiếu…
Tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Thanh nhạc - Nhạc viện TPHCM, anh đã có 20 năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, theo đuổi dòng nhạc truyền thống cách mạng. Giải 3 Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 1998, giải siêu cúp Tiếng hát Phát thanh TPHCM và khuyến khích Tiếng hát truyền hình Toàn quốc năm 1999, đã giúp anh tạo nên những dấu ấn rất riêng qua các album như Tổ quốc gọi tên mình, Việt Nam quê hương tôi, đặc biệt là album online 27/7  với đầy đủ ý nghĩa của ngày này. Có lẽ đó cũng là lý do để anh luôn được mời hát trong các chương trình âm nhạc truyền thống cách mạng của thành phố nhân những dịp đặc biệt. 

Tin cùng chuyên mục