Cà Mau: Dân nuôi tôm “méo mặt” vì chủ rừng khui cống xả nước nhiễm phèn ra sông

(SGGPO).- Nhiều người nuôi tôm trên địa bàn huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) “méo mặt” vì các chủ rừng ở U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) và U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) khui cống xả nước nhiễm phèn từ trong rừng tràm ra sông. Nguồn nước này là “khắc tinh” cho con tôm…

Người nuôi tôm gặp khó trong việc lấy nước khi các chủ rừng xả nước nhiễm phèn ra sông

Ngày 27-6, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết trong tuần này đại diện UBND huyện Thới Bình và UBND huyện U Minh Thượng, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau và Kiên Giang sẽ gặp gỡ, bàn giải pháp khắc phục việc các chủ rừng khui đập xổ nước từ trong các lâm phần rừng tràm ra sông làm ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm của người dân.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây nhiều người nuôi tôm “méo mặt” vì các chủ rừng ở U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) và U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) khui đập xổ nước từ trong các lâm phần rừng tràm ra sông để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nước này bị nhiễm phèn nặng vì vậy nếu không may người dân lấy vào phục vụ cho nuôi tôm thì rủi ro cao: tôm chậm lớn, dễ phát sinh bệnh…

Mặt dù trước khi xả nước, các chủ rừng có thông báo đến cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, độ “phủ sóng” không phải người dân nào cũng biết. Thêm nữa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ khi khui đập chỉ thông báo thời gian bắt đầu (ngày 7-6), còn ngày đóng đập thì không có. Vì vậy, người nuôi nuôi tôm không thể chủ động được.

Theo báo cáo của UBND Tân Bằng, Biển Bạch và Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình) việc lấy nước phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn ba xã đang gặp nhiều khó khăn, không chủ động được nguồn nước, đặc biệt là đang trong thời gian cải tại vuông chuẩn bị xuống giống cho vụ mùa lúa- tôm. Theo thống kê, chỉ riêng diện tích tôm nuôi xã Biển Bạch Đông bị ảnh hưởng khoảng 3.500ha.

Tin cùng chuyên mục