Bứt phá hạ tầng phía Đông

Chính quyền TPHCM đang thực hiện một loạt giải pháp mang tính đột phá nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt khu vực cửa ngõ phía Đông. Đây là bước đi tạo tiền đề để TP triển khai hiệu quả đề án quy hoạch Khu đô thị sáng tạo TP (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), với diện tích hơn 21.000ha, dân số gần 1 triệu người... trong tương lai.
Hạ tầng cửa ngõ phía Đông ngày càng hoàn thiện tạo sức bật phát triển cho cả vùng
Hạ tầng cửa ngõ phía Đông ngày càng hoàn thiện tạo sức bật phát triển cho cả vùng

Nhiều dự án hạ tầng

Theo định hướng chiến lược phát triển đô thị chung, TPHCM sẽ phát triển theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nhưng xét trên bình diện chung, chính sách phát triển hạ tầng của TPHCM dường như đang dồn mạnh vào khu vực phía Đông.

Đến nay, khu Đông đang dẫn đầu TP về các công trình giao thông trọng điểm, chẳng hạn như: dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm vượt sông Sài Gòn, đường vành đai 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, metro số 1, bến xe miền Đông mới...

Năm 2018, Sở Giao thông - Vận tải TP (Sở GTVT) cho biết sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn. Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP cũng sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm: đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng Cát Lái.

Song song đó, dự án xây dựng cầu bắc qua Đảo Kim Cương, trị giá 500 tỷ đồng, nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn đang được xây dựng giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ lợi, khu Cát Lái (quận 2) với trung tâm thành phố. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019.

Trong giai đoạn 2018-2020, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như: mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ Cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)...

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, từ đầu năm 2018, Sở đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, nhằm khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ trong quý I-2018. Trong đó, Sở sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2; cao tốc Bến Lức - Long Thành; quốc lộ 1; trục giao thông đô thị kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận…, nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông khu Đông thành phố, kết nối đồng bộ và thông thương thuận lợi với các tỉnh lân cận.

Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, Ban quản lý đường sắt đô thị TP, thông tin, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông thành phố, từ quận 1, quận Bình Thạnh đến quận 2, quận 9 và Thủ Đức vào năm 2020, thì tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP, tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 – Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai. Toàn tuyến có tổng chiều dài hơn 12km (9,1 km đi ngầm và 3,1 km đi trên cao), gồm 10 nhà ga (8 ga ngầm và 2 ga trên cao); Depot đặt tại Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) với diện tích gần 17ha. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1,87 tỷ USD.

Cũng theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương. Dự án đã được UBND TP đăng ký danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2018. Hiện UBND TP đã thông qua thiết kế cơ sở, hồ sơ ranh mốc đã được thông qua và bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch.

Sức bật cho đô thị sáng tạo
Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề xây dựng Khu đô thị sáng tạo nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương. Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là Khu Công nghệ cao, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường Đại học chất lượng cao mà hạt nhân là Đại học Quốc gia TPHCM. Khu đô thị sẽ có hơn một triệu dân, rộng khoảng 22.000 ha. Đây cũng là TP Đông trong 4 TP mới mà đề án Chính quyền đô thị của TP từng đề cập.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, mục tiêu của khu đô thị sáng tạo hướng tới phát triển kinh tế TP đúng hướng, đồng thời trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước... Tại đô thị tương lai này, các ý tưởng khởi nghiệp sẽ dễ dàng được đưa ra thị trường, biến các ý tưởng bảo vệ môi trường thành ý tưởng chung toàn thành phố, phát triển mạnh giao thông thông minh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, chính quyền khu đô thị sáng tạo sẽ là chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử đảm bảo công khai, minh bạch và không còn xảy ra việc tiêu cực, nhũng nhiễu... Chính quyền TP cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo, sẽ lắng nghe, chuyển ý tưởng của các chuyên gia thành hành động.
Dự kiến trong thời gian tới, TP sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để nghe ý kiến các chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đô thị sáng tạo.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho rằng, để TP thực hiện hiệu quả đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo, chính quyền TP cần tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng và quy hoạch các khu cảng phía Đông, nhất là Cảng Cát Lái…
Ngoài ra, theo TS-KTS Nam Sơn, chính quyền cũng cần đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm yêu cầu các Sở ban ngành liên quan lưu ý về sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, cấp phép xây chung cư, cao ốc ở trung tâm để tránh gây thêm căng thẳng về kẹt xe và quá tải hạ tầng đô thị; cần có những giải pháp giãn dân bằng cách xây dựng các khu chung cư, cao ốc thương mại ở các khu cửa ngõ thành phố, đồng thời, từ đó sẽ tạo sự kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông đô thị.
Theo ông Trần Hiền Phương, Tổng Giám đốc Công ty Seaholdings, nhờ chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đề án phát triển khu đô thị sáng tạo, giá trị bất động sản khu Đông ngày một tăng và đang trở thành “miền đất hứa” thu hút các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).
“Để đón đầu dự án metro 3b và đoạn đường khép kín vành đai 2, Seaholdings đã mua nhiều quỹ đất trên địa bàn quận Thủ Đức. Trước mắt, đầu tháng 5-2018, công ty sẽ chính thức giới thiệu ra thị trường một dự án căn hộ Fresca Riverside tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), quy mô gần 400 căn. Đây là dự án căn hộ vừa túi tiền và có sức cạnh tranh cao với mức giá chỉ từ 19,5 triệu đồng/m²”, ông Phương, chia sẻ.
Còn theo ông Bùi Tường Thuỵ, Tổng Giám đốc Kiến Á, Với nhiều lợi thế về hạ tầng kết nối, đường sá thông thoáng, có nhiều quỹ đất sạch và các dự án nhà ở hướng tới khách hàng là thị dân trẻ, BĐS quận 2, mà tiêu biểu là các khu đô thị mới như Cát Lái, Thủ Thiêm… càng thêm hấp dẫn người mua và các nhà đầu tư hơn trước thông tin nóng này. Là một khu đô thị mới với quy hoạch hoàn chỉnh, mật độ cây xanh cao (gần 7m²/người), đầy đủ các chức năng về tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật cao… nhưng giá BĐS vẫn ở mức tầm trung, Khu đô thị Cát Lái đang trở thành điểm đến mới của những người mua trẻ hướng tới sự tiện lợi, năng động và gần trung tâm thành phố.

Tin cùng chuyên mục