Buồn vui cùng thi cử

Bên cạnh những lời khen, thán phục dành cho các em, mạng xã hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều như “10 điểm nhờ ăn may”, “đáp án Văn quá lỏng nên giáo viên chấm tùy hứng”, “hơn thua nhau ở mánh làm bài”. 
Những ngày qua, khi 63 tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chân dung thủ khoa các khối thi, các học sinh xuất sắc giành được điểm 10 tuyệt đối ở một số môn thi nhanh chóng được truyền thông giới thiệu.
Bên cạnh những lời khen, thán phục dành cho các em, mạng xã hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều như “10 điểm nhờ ăn may”, “đáp án Văn quá lỏng nên giáo viên chấm tùy hứng”, “hơn thua nhau ở mánh làm bài”. Sự việc bắt nguồn từ chính những lời tâm sự chân thành của các em khi một học sinh chuyên Hóa của TPHCM may mắn giành điểm 10 môn Toán nhờ phương pháp loại trừ đáp án chứ không phải ngồi giải từng câu hỏi, hay một học sinh lớp chuyên Anh ở tỉnh Quảng Nam giành điểm 9,75 điểm môn Ngữ văn nhờ những “lượm lặt trên báo chí” và chính em cũng bất ngờ về điểm số của mình. 
Ngoài ra, rất nhiều ý kiến giáo viên đã nhận xét với kiểu ra đề thi trắc nghiệm theo kiểu cố tình đánh đố thí sinh, đề toán tự luận núp dưới vỏ bọc trắc nghiệm, đề quá dài mà thời gian làm bài ít buộc thí sinh phải chấp nhận “đánh lụi”, điểm thi vì thế khó tránh khỏi việc hơn thua nhau do may mắn.
Nhận xét đó đúng, và đã được các chuyên gia giáo dục chỉ ra hàng loạt bất cập trong công tác ra đề thi năm nay. Song, nhìn lại đề thi nhiều năm qua, có thể thấy chưa năm nào đề thi THPT quốc gia nhận được sự tán dương và hài lòng của xã hội. Nói như một nhà quản lý giáo dục, nếu chúng ta cứ ra đề thi theo kiểu rút kinh nghiệm, đề quá dễ của năm trước chuyển thành quá khó của năm nay mà không có định hướng rõ ràng thì “rút hoài sẽ vẫn hỏng”. 
Tuy nhiên, giữa việc đánh giá đề thi và công nhận năng lực thật sự của thí sinh là 2 phạm trù khác biệt. Có nhiều bình luận khá bức xúc trên mạng xã hội về các trường hợp thí sinh đạt điểm cao như: “Em đánh lụi 5 câu cuối vì thời gian không cho phép chứ không phải đánh lụi toàn bộ 50 câu hỏi. Thử hỏi nếu chỉ nhờ may mắn mà không có năng lực giải toán thật sự thì sao giành điểm tuyệt đối ở 45 câu kia”. Hoặc “các vị cứ than đề thi chỉ thuận lợi cho những ai luyện giải đề ở lớp học thêm, nhưng điểm cao lại thuộc về các thí sinh miền núi”.
Trong bất cứ cuộc đua nào, may mắn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công. Nhưng thành công không thể đến với những ai không chịu nỗ lực, chỉ nhờ mánh khóe thi cử để có kết quả cao. Nói như vậy để thấy từ sự bất an với cách ra đề thi của các cơ quan quản lý, chúng ta đang hoài nghi không đáng có về thành tích và những nỗ lực của cả thế hệ học sinh.  
Thực tế này một lần nữa khẳng định guồng máy giáo dục nước ta đang có vấn đề, khi học sinh không còn “học gì thi đó” mà “thi gì học đó”. Chính vì vậy không nên dựa vào kết quả của một kỳ thi để đánh giá hiệu quả của ngành giáo dục khi “cái gốc” chưa được đầu tư đúng mức.

Tin cùng chuyên mục