Bước đi nhiều rủi ro

Sóng gió ở Washington chuyển hướng về Bộ Ngoại giao sau quyết định thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ của Tổng thống Donald Trump. 
 Ông Rex Tillerson
Ông Rex Tillerson
Từ một người được tín nhiệm, ông Rex Tillerson đã trở thành một “nhân vật khó chịu” khi liên tục có các bất đồng với ông Donald Trump xung quanh hàng loạt chính sách ngoại giao. Riêng với hồ sơ hạt nhân Iran, ông Tillerson luôn tỏ ra thận trọng và tỏ ý muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) đã được các bên ký kết năm 2015, trong khi người đứng đầu nước Mỹ luôn muốn giải quyết theo hướng đối nghịch. Chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân Iran sẽ có những thay đổi lớn sau sự ra đi của ông Rex Tillerson là điều đã được dự báo. Bởi lẽ, người thế ông Rex Tillerson, ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), được xem là nhân vật cứng rắn chống lại Iran và  là người có phong cách khá tương đồng với ông Donald Trump từ quan điểm cho đến phát ngôn. Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến lạc quan khi cho rằng, ông Pompeo luôn lên tiếng chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng có thể ông cũng không muốn hủy bỏ hoàn toàn JCPOA. Quan điểm của ông Pompeo cũng cởi mở hơn và có thể sẽ thực hiện vai trò của mình tốt hơn ông Tillerson nếu ông chủ động thuyết phục Tổng thống Donald Trump tiếp tục giữ thỏa thuận này.

Hành động bãi nhiệm Ngoại trưởng Rex Tillerson của Tổng thống Mỹ Donald Trump là lời cảnh báo cứng rắn hơn về tương lai bấp bênh của  JCPOA, đồng thời cũng phát đi tín hiệu muốn gia tăng áp lực với các đồng minh châu Âu, những nước muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này. Phía Iran dường như đã sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu thỏa thuận bị đổ vỡ. Thứ trưởng Ngoại Giao Iran ông Abbas Araghchi cho rằng, Mỹ đã quyết tâm ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và những thay đổi bên trong Bộ Ngoại giao chính nhằm thực hiện mục đích này. Trong thời gian gần đây, Iran đã có những bước đi cho thấy muốn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, vừa duy trì được thỏa thuận, vừa cô lập Mỹ. Với Tehran, duy trì được thỏa thuận hạt nhân, trong trường hợp xấu nhất không có Mỹ, Iran sẽ càng củng cố được vị thế trong khu vực, đồng thời vẫn có được sự ủng hộ của nhiều đối tác cường quốc. 

Giới quan sát nhận định, nếu Tổng thống Donald Trump vẫn cứ cố thực hiện cam kết tranh cử, hay làm hài lòng một bộ phận chính giới có thái độ chống Iran mà rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, thì đây sẽ là một bước đi nhiều rủi ro với chính quyền Mỹ, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt ngoại giao. Trước mắt, chính quyền ông Donald Trump sẽ gặp khó khăn trong việc lôi kéo sự hỗ trợ từ các đồng minh quan trọng cũng như các đối tác quốc tế khác, vì Mỹ đang khiến châu Âu bất bình vì hàng loạt chính sách gây tranh cãi với đồng minh, trong đó có thuế thép. Bên cạnh đó, theo những thông tin thu thập gần đây, có rất ít bằng chứng cho thấy Iran đang vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, mà ngược lại, Mỹ trông giống như một kẻ vi phạm hiệp ước. Nếu Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục chọn cách bãi bỏ JCPOA, quyết định của ông sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn cả đối với toàn thế giới trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và khiến chính nước Mỹ bị cô lập trên trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục