Bữa cơm no của người nghèo

Dù TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã có vài điểm cơm miễn phí hay giá rẻ cho người hoàn cảnh khó khăn, nhưng quán cơm Đồng Hành tại nhà hàng khách sạn mini Life Coffee của Công ty TNHH Cỏ May vẫn thu hút đông đảo thực khách là người lao động nghèo. 
Người lao động xếp hàng trật tự vào quán cơm Đồng Hành để có bữa trưa đủ chất
Người lao động xếp hàng trật tự vào quán cơm Đồng Hành để có bữa trưa đủ chất

Cô Nguyễn Duy Liên, quản lý nhà hàng, cho biết, để kịp phục vụ cơm trưa cho mọi người, anh chị em nhân viên đều tự nguyện làm thêm ngoài công việc hàng ngày của mình.

Nhà hàng Cỏ May ngoài cà phê, các loại thức uống còn có điểm tâm sáng và thức ăn nhẹ vào buổi tối. Gần 2 tháng nay, từ khi mở thêm quán cơm Đồng Hành, công việc của nhà hàng càng tất bật.

Chủ không buộc nhân viên dốc sức cho từ thiện, nhưng hầu như ai cũng tự sắp xếp công việc, tranh thủ vì cộng đồng. Đầu bếp nhận thêm phần đi chợ, nấu ăn; nhân viên tạp vụ rửa ly, phụ tiếp cắt gọt rau củ, nấu cơm; anh em phục vụ chạy bàn thì bưng cơm, phân phối cơm canh vào bao và hộp…

Anh Huỳnh Văn Lộc, bảo vệ nhà hàng, chia sẻ: “Công ty Cỏ May là doanh nghiệp có truyền thống thiện nguyện tại địa phương. Sở dĩ quán yêu cầu mỗi khách đến ăn phải trả 2.000 đồng/phần là để bà con thấy rằng mình cũng có đóng góp chút ít vào bữa ăn từ thiện mà không ngại trong lòng”.

Bà Lý Thị Thu Cúc (63 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) mỗi ngày đi bán vé số nuôi người em tâm thần, tâm sự: “Trời nắng quá, đi bán cực lắm mới hết 50 tờ, nên dĩa cơm tiệm 20.000 đồng tôi không dám ăn. Trưa đói thì đến quán hủ tiếu bình dân kêu gói mì không thịt 3.000 - 4.000 đồng ăn qua bữa. 2 tuần nay, nhờ người đi bán chung chỉ quán cơm này, tôi mới ăn được dĩa cơm có cá, thịt, đồ xào chỉ 2.000 đồng. Cơm ăn thật ngon”. Chị Phan Thị Bích Ngân, ngụ xã Phong Hòa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), mỗi ngày đi về hơn 30km đến Sa Đéc làm phụ hồ tại công trình siêu thị Vincom. Đến ăn cơm xong, chị cùng bà con bưng dọn, rửa chén dĩa phụ tiếp anh em tại quán. Anh Mật Chí Hải, tài xế của Cỏ May, cho biết: “Mỗi trưa đến giờ phát cơm là tụi em tranh thủ dời xe của khách để có chỗ trống dọn bàn ghế cho bà con đến ăn và xếp hàng chờ đến lượt lấy cơm về. Nhiều cô bác cũng xắn tay áo nhảy vào phụ dọn. Ai cũng muốn làm một việc để tiếp quán lo bữa cơm cho người nghèo”.

Tin cùng chuyên mục