Brexit: Tuyệt vọng chạy đua với thời gian

Thủ tướng Anh Boris Johnson để ngỏ khả năng kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn sau khi ông chịu thất bại lớn tại quốc hội về chiến lược đưa Anh thoát khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), trong đó có cả khả năng Brexit không thỏa thuận. Lần này, sự chống đối đến từ cả các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ.
Người dân Anh tuần hành trước trụ sở Hạ viện ủng hộ Anh ở lại EU
Người dân Anh tuần hành trước trụ sở Hạ viện ủng hộ Anh ở lại EU

Đảng Bảo thủ mất đa số tại Hạ viện

Chỉ 6 tuần sau khi nhậm chức, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị tấn công sau cuộc “nổi loạn” lớn của các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện. Thủ tướng Johnson đã gặp thất bại trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Hạ viện về Brexit vào ngày 3-9 với 328 phiếu chống và 301 phiếu thuận. Trước cuộc bỏ phiếu, nghị sĩ đảng Bảo thủ Phillip Lee đã bỏ sang đảng Dân chủ Tự do làm cho đảng Bảo thủ mất đa số ở Hạ viện.

Chưa hết, theo Reuters, 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã tham gia cùng các nghị sĩ đối lập Công đảng để bắt đầu quá trình soạn thảo luật có thể ngăn chặn Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng) bằng cách trì hoãn thêm thời hạn chót của Brexit đến ngày 31-1 thay vì 31-10. Phát biểu trước các nghị sĩ sau cuộc bỏ phiếu, ông Johnson nói rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm. Ông cảnh báo rằng với sự nổi loạn của mình, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã trao quyền quyết định Brexit cho EU, gây ra “sự chậm trễ và nhiều rắc rối hơn” trong quá trình vốn đã quá phức tạp.

Theo các trợ lý của ông Johnson, cuộc bầu cử trước thời hạn có thể được tổ chức trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU vào ngày 17 và 18-10. Tuy nhiên, để cuộc bầu cử diễn ra cũng cần 2/3 nghị sĩ Hạ viện thông qua. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cảnh báo rằng ông cũng muốn có một cuộc bầu cử trước thời hạn, nhưng trước tiên Thủ tướng Johnson phải từ bỏ kế hoạch Brexit cứng.

Thêm 2 tỷ bảng Anh cho Brexit cứng

Từ trước tới nay Thủ tướng Anh Johnson luôn nói ông muốn có một thỏa thuận Brexit mới với Brussels, nhưng nhấn mạnh rằng điều này là không thể. Do đó, Anh buộc phải rời khỏi EU vào tháng tới bất kể giá nào. Hiện, EU vẫn không chấp nhận tái đàm phán Brexit và nhiều khả năng Anh phải chấp nhận Brexit cứng, điều mà các nghị sĩ tin rằng có thể gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3-9, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Mina Andreeva thừa nhận khả năng cao về một kịch bản Brexit cứng sẽ diễn ra vào ngày 31-10 tới. Tuy nhiên, EC vẫn tin rằng việc Anh rời khỏi EU trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa cựu Thủ tướng Anh Theresa May và giới chức lãnh đạo EU trước đó sẽ là giải pháp tốt nhất. Thỏa thuận này từng bị Hạ viện Anh bác bỏ 3 lần dẫn đến sự từ chức của bà May. Căng thẳng chính trị gia tăng khiến đồng bảng Anh sụt giảm vào ngày 3-9, xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần 3 năm.

Bộ trưởng Tài chính Anh đã công bố khoản tài trợ trị giá 2 tỷ bảng Anh (2,4 tỷ USD) để đối phó với Brexit cứng. Đánh giá của Chính phủ Anh cho rằng Brexit cứng có thể dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu và dược phẩm nhưng các bộ trưởng khẳng định họ có thể chuẩn bị cho phần lớn việc này.

Trong khi đó, các nghị sĩ đang chạy đua để có được dự luật ngăn Brexit cứng trước khi Hạ viện bị đình chỉ vào tuần tới theo yêu cầu của Thủ tướng Johnson. Theo những gì ông Corbyn mô tả, đây “có thể là cơ hội cuối cùng của chúng tôi” để ngăn chặn một Brexit hỗn loạn. Bên ngoài Hạ viện, những người biểu tình chống Brexit cũng đã tụ tập. “Ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào là lựa chọn tồi tệ nhất”, John Wetherall, một kỹ sư hóa học đã nghỉ hưu mang cờ EU, nói. Các chuyên gia kinh tế Liên hiệp quốc cảnh báo Anh sẽ thiệt hại về xuất khẩu sang EU mỗi năm 14.600 tỷ EUR nếu Brexit cứng.

Tin cùng chuyên mục