Brexit tới giai đoạn gay cấn

Sau nhiều tháng trì hoãn, chiều 12-7 (theo giờ địa phương) Chính phủ Anh đã chính thức công bố “Sách Trắng Brexit”. Văn bản dài 98 trang này được đánh giá là tài liệu “có ý nghĩa nhất” về Brexit từ sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi châu Âu.
Thủ tướng Anh Theresa May đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-7
Thủ tướng Anh Theresa May đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-7
Nội dung Sách Trắng

Sách Trắng Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong mọi lĩnh vực… Văn bản thể hiện mong muốn của Chính phủ Anh trong việc duy trì quan hệ gần gũi với EU sau Brexit, với việc tiếp tục tham gia vào các cơ quan của khối này trong những lĩnh vực hóa chất, hàng không và y tế… 

Nội dung cụ thể của Sách Trắng này gồm các đề xuất chính sau thể hiện lập trường đàm phán của Chính phủ Anh: Anh sẽ duy trì một “bộ quy định chung” với tất cả hàng hóa trong thương mại với EU, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp; một hiệp định sẽ được ký để bảo đảm Anh cam kết tiếp tục “tuân thủ hài hòa” những quy định của EU - tránh sự ngăn trở trên biên giới giữa Anh và EU, bao gồm biên giới Bắc Ireland; Quốc hội Anh có quyền giám sát chính sách thương mại của Anh và có khả năng quyết định điều chỉnh việc Anh áp dụng các quy định của EU; Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ không còn thẩm quyền tại Anh - nhưng các tòa án của Anh sẽ phải “lưu ý” đến phán quyết của ECJ trong các lĩnh vực mà Anh tuân thủ hoàn toàn quy định của EU; Biên giới giữa Anh và EU sẽ được xem như một “lãnh thổ hải quan hỗn hợp”; Việc đi lại tự do giữa Anh và EU sẽ chấm dứt, mặc dù Sách Trắng Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May cũng thể hiện sự “xuống thang” khi đề xuất cho phép người lao động từ EU sang Anh mà không cần visa để đảm nhiệm những công việc “tạm thời”. 

Một nội dung khác được lưu ý trong Sách Trắng là Chính phủ Anh từ bỏ các kế hoạch duy trì quan hệ gần gũi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với EU, đồng nghĩa với việc Anh sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của châu Âu để đổi lấy sự linh hoạt và tự chủ trong vấn đề này. 

Brexit và vai trò của Mỹ

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, ngày 13-7, theo Reuters, Tổng thống Mỹ cho biết ông mong muốn hoàn tất một thỏa thuận thương mại sau Brexit với Anh và mối quan hệ Mỹ - Anh rất tốt 

Điều này trái ngược với cuộc trả lời của ông Donald Trump với báo chí Anh trước đó. Trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ The Sun (Anh) ngay trước khi rời Brussels (Bỉ) sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO để bắt đầu chuyến thăm, làm việc tới Anh trong 4 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Anh có thể sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nếu vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit hiện nay. Ông Donald Trump cho rằng kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May có thể sẽ “giết chết thỏa thuận thương mại tự do Anh-Mỹ” vì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải đàm phán với EU thay vì đàm phán trực tiếp với Anh. Cũng đã có nhiều ý kiến chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng Anh về tương lai quan hệ với EU khi cho rằng việc bà May tỏ ý muốn tuân thủ các quy định của EU về sản phẩm nông nghiệp, sẽ ngăn cản một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này xuất phát từ việc Mỹ chắc chắn sẽ yêu cầu thỏa thuận thương mại tự do này phải bao gồm các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen, thịt bò bổ sung hormone tăng trưởng và thịt gà rửa bằng chlorine - những sản phẩm bị cấm ở châu Âu.

Tin cùng chuyên mục