Bớt tò mò để làm người tử tế

Tại đám tang nghệ sĩ hài Anh Vũ (quàn tại chùa Ấn Quang, quận 10), trong lúc tang gia bối rối, không ít người dân hiếu kỳ đứng bên ngoài đội nắng, chen lấn, xô đẩy nhau để xem và “đội quân” livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) gần như túc trực 24/24 giờ để ghi hình, trong đó phần lớn là những người trẻ tuổi. 

Giữa tiếng kèn, trống não nề, cùng nước mắt tiếc thương của bạn bè nam nghệ sĩ quá cố, nhiều người livestream vẫn thản nhiên kêu gọi người xem like (thích) và share (chia sẻ) nhiệt tình, cùng nhau bình luận.

Các YouTuber, Facebooker này chuẩn bị khá đầy đủ từ sạc dự phòng, phát wifi cho đến gậy selfie, tai nghe… Nhiều người cố chen lấn, tiếp cận thật gần người nhà, bạn bè của nam nghệ sĩ quá cố để ghi hình và phỏng vấn như cách báo chí tác nghiệp. Không ít bạn bè của nam nghệ sĩ đến viếng chưa vào được bên trong để thắp nhang, đã bị đội quân này chặn ngay bên ngoài để chụp hình, quay phim, phỏng vấn. Một cảnh tưởng hỗn loạn, ồn ào không thể tả mà nhiều người xem qua phải thốt lên rằng: “Đám tang cũng không tha sao?”

Dĩ nhiên, họ bất chấp tất cả chỉ vì lượt view hoặc đơn giản “xem cho biết”. Chen trong đám đông, chị N.B.L (28 tuổi, chủ một shop thời trang tại quận 6) thản nhiên nói: “Tới coi cho biết, sẵn phát lên mạng luôn, mấy tin này người ta coi nhiều, dễ tăng lượt view cho shop lắm”. Trước sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ trật tự tại đám tang, khi nhiều người liên tục chen lại gần vị trí đặt quan tài và tiếp cận bằng được người nhà, chị T.T.L (26 tuổi, một tiểu thương chợ Cây Gõ) lạnh lùng trả lời: “Người ta ái mộ người ta mới coi anh ơi, có gì đâu mà cản”.

Trong 2 ngày tang lễ 9 và 10-4, hàng trăm tài khoản Facebook, YouTube liên tục chia sẻ hình ảnh, video, phát trực tiếp lên mạng xã hội. Đám đông này, khiến đường Sư Vạn Hạnh (đoạn qua chùa Ấn Quang) liên tục kẹt xe. Bạn Đ.D (học sinh Trường Nguyễn An Ninh) chia sẻ trên trang cá nhân: “Đứng ít thôi chừa đường cho bọn con đi học nữa. Sáng nay ra đông kinh hồn!”.

Tài khoản T.T viết: “Đám tang mà như trẩy hội. Bảo dân trí thấp thì tự ái”; tài khoản N.Q bức xúc: “Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ và niềm vui của đội quân livestream”.

Hay tài khoản Đ.N viết : “Hôm qua đi từ bên ngoài vô thấy một đoàn người bu đen giỡn hớt um sùm còn tưởng đi lộn khu du lịch. Nghĩ thấy buồn lắm cô chú anh chị gì ơi. Mình bớt kỳ lại để cuộc đời đẹp hơn xíu nha!”.
Đây không phải là lần đầu tiên, những câu chuyện livestream phản cảm như trên xảy ra. Không nằm ngoài dự đoán, những hình ảnh, video kiểu này luôn thu hút đông đảo lượt xem và chia sẻ, lượt like và hàng ngàn bình luận với đủ lời lẽ từ thương xót đến thô tục. 

Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ có lẽ không gì hơn là sự ghi nhận và mến mộ của khán giả, nhưng sự “mến mộ” một cách thái quá như thế này có lẽ cần xem xét lại. Nghệ sĩ hay bất kỳ ai, cũng là một con người, khán giả mến mộ nên đến viếng bằng sự tôn kính và trang nghiêm theo lẽ phải có của một đám tang chứ không phải bằng sự hiếu kỳ, tò mò đến độ quên mất những phép tắc cư xử cơ bản. Và chính người nghe, người xem cũng nên biết chọn lọc thông tin, cập nhật tin tức từ những trang tin chính thống hơn là lao vào những Facebooker, YouTuber bình luận, bày tỏ yêu thích… tạo điều kiện cho các cá nhân này trục lợi.

Tin cùng chuyên mục