BOT giao thông: Phải có người bị xử lý chứ không thể vô can ​

 Thực tế cho thấy là BOT chúng ta tù mù từ cái gốc của nó, mà “hộp đen” ở đây là Bộ GT-VT phải chịu trách nhiệm. Đó là khẳng định của ĐBQH Dương Trung Quốc khi trao đổi với PV Báo SGGP.

Suốt thời gian qua, dư luận đã rất quan tâm đến vấn đề phí - giá: từ BOT giao thông cho tới giá dịch vụ đào tạo mới đây xuất hiện trong dự thảo luật Giáo đục đại học sửa đổi để thay cho khái niệm học phí quen thuộc. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GT-VT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “trạm thu giá”. Báo SGGP có trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

ĐB Dương Trung Quốc 

*Phóng viên: Thưa ông, hôm nay Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn ĐBQH. Dự là vấn đề phí-giá BOT sẽ tiếp tục nóng bỏng. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này này?

*ĐBQH Dương Trung Quốc: Trước hết tôi muốn nói đến điều xa hơn - điều mà tôi đã phát biểu trước Quốc hội từ lâu mà chưa được thực hiện, đó là chúng ta cần sớm có luật về ngôn ngữ.  Ngôn ngữ của chúng ta đặc biệt không chuẩn, nên đôi khi sử dụng rất tùy tiện. Cho đến nay chúng ta chưa có một bộ từ điển thực sự. Trong khi Việt Nam có một nền di sản ngôn ngữ rất lớn, từ chữ  Hán, chữ Nôm, chữ Hán Việt đến chữa Quốc Ngữ, tất cả chúng ta đều chưa chuẩn mực, nhất là hệ thống ngôn ngữ quy phạm pháp luật, nên điều đó không phải là không có tác động. Cùng một chữ người ta có thể suy diễn rất nhiều, do đó phải chuẩn mực tất cả. Ví dụ vấn đề phí là gì, giá là gì phải hết sức chuẩn mực, chứ không phải các bộ trưởng cứ thích là lên giải thích theo cách hiểu của mình. Tôi khẳng định, cần sớm có một hệ thống thuật ngữ pháp luật pháp lý chuẩn.

Về phí – giá, quan niệm của tôi thì giá là cái gì của mình bán cho người khác, tôi cung cấp dịch vụ cho người khác. Phí là cái gì mình thu trên dịch vụ mình cung ứng.

Vì sao dân phản ứng dữ dội với trạm thu giá BOT? Con đường BOT có phải của doanh nghiệp (DN) đâu, đất thì của Nhà nước, kể cả con đường hoàn toàn mới cũng không phải của DN. Nên anh gọi phí hay giá cũng được thôi nhưng anh phải tính toán trên cơ sở anh bỏ tiền ra bao nhiêu để đầu tư, anh được thu hồi bao nhiêu để bảo đảm lợi ích chính đáng của anh, đồng thời phải cân đối với năng lực chi trả của người dân vào những thời điểm rất cụ thể. Điều đó các cơ quan quản lý Nhà nước phải ngồi tính, đưa ra được công thức.

Tôi đã từng gặp người dân khi họ bức xúc ở BOT Hòa Bình, họ nói trả phí thì tán thành, nhưng phải minh bạch. Tại sao việc đơn giản thôi mà chúng ta không làm được.  Mỗi trạm BOT đó, hoàn toàn có thể công bố nhà đầu tư đã đầu tư bao tiền, cách chi trả ra sao, có thể có một số đếm ngược là phải thu bao nhiêu, đến bao lâu thì hết. Khi công bố như vậy thì cả người dân lẫn cơ quan quản lý đều có thể giám sát được.

Nhưng thực tế cho thấy là BOT chúng ta tù mù từ cái gốc của nó, mà “hộp đen” ở đây là Bộ GT-VT phải chịu trách nhiệm. Cho nên khi kiểm toán nhà nước  vào cuộc đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án BOT là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỷ đồng. Chúng ta điều chỉnh rút đi bao nhiêu thời gian, tiền bạc lẽ ra thì phải cách chức những người có thỏa thuận gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người dân. Chúng ta có thể trách về đạo đức, văn hóa DN, nhưng  không thể trách nhiều, vì DN thì ai chả muốn khai thác có lợi nhất. Nên ở đây là chính là lỗi quản lý Nhà nước. Nhưng không hề thấy một quan chức nào của ngành GT-VT chịu trách nhiệm cả, thậm chí lại coi như đó là một thành tích là rút ngắn đươc thời gian thu, bớt được tiền bạc. Thử hỏi ai là người đầu tiên thẩm định việc thu phí BOT đó mà nếu không có sức ép của dư luận xã hội thì liệu anh có điều chỉnh hay không, hay đó là "hộp đen" để trục lợi. Tôi cho đó là cái gốc của vấn đề mà Quốc hội phải giám sát.

*Như vậy theo đại biểu là trong những lùm xùm về BOT, phải có người chịu trách nhiệm, phải bị xử lý chứ không thể vô can?

*Trong vấn đề BOT này, phải xác định tại sao sai, nếu vì năng lực kém mà sai thì cũng phải cách chức, còn nếu có động cơ trục lợi, chia chác thì phải xử lý bằng luật pháp. Tại sao cuối cùng vẫn vô can, cái đó là điều mà dân khó hiểu nhất. Chúng tôi rất muốn phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ làm rõ điều đó.

*Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí. Trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là “trạm thu phí BOT”.

Tin cùng chuyên mục