Bóng đá chuyên nghiệp khổ vì tiền

Năm 2000, khi đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 5, Đồng Tháp đã xây dựng một khu liên hợp thể thao hoàn toàn mới ở thành phố Cao Lãnh. 
Đó cũng là khu liên hợp thể thao đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo ngành thể thao Đồng Tháp khi đó cho biết, sở dĩ tỉnh mạnh dạn đầu tư khu liên hợp là vì muốn có thêm các môn thể thao đỉnh cao phát triển như bóng đá - vốn đang là một trong những đội bóng mạnh nhất Việt Nam với 2 lần vô địch quốc gia.

Nhưng chỉ 1 năm sau, Đồng Tháp lần đầu tiên rớt hạng. Từ đó đến nay, thể thao Đồng Tháp cũng chưa phát triển được nhiều ngoài môn đua xe đạp, riêng bóng đá thì gần như tan hoang sau khi có thêm 4 lần xuống hạng nữa và hiện đang đứng chót bảng hạng nhất, đối diện với nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử phải đá hạng nhì vào năm sau.

Chung quy cũng vì không có tiền. Ba năm trước, sau khi từ hạng nhất thăng lên V-League, Đồng Tháp nộp đơn… xin giải thể. Rất may giờ chót, đội bóng chuyển giao cho một nhóm doanh nghiệp đến từ TPHCM thành lập công ty cổ phần để kêu gọi vốn duy trì CLB. Tình hình hiện nay dù chưa có gì sáng sủa, nhưng ít ra Đồng Tháp vẫn còn… tốt hơn nhiều đội bóng miền Tây khác.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long thì có đến 7 đội bóng từng đá tại V-League, 3 đội khác từng chơi ở hạng nhất, đó là một con số rất ấn tượng với tỷ lệ cao nhất nước. Nhưng đây cũng chính là bi kịch của bóng đá miền Tây, nơi không thiếu lực lượng người hâm mộ, không thiếu sân bãi và niềm đam mê, nhưng cứ lần lượt những cái tên “ra đi” ngay lúc lên đỉnh cao. Những đội bóng như Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang sau khi lần đầu giành quyền đá V-League thì ngay sau đó rớt hạng và giải tán luôn đội chuyên nghiệp, chỉ giữ tên để đá phong trào ở hạng nhì. Viễn cảnh ấy cũng đang chờ đợi Cần Thơ, Đồng Tháp và thậm chí là cả Long An - đội bóng từng 2 lần vô địch V-League.

Trao đổi với những người làm bóng đá tại khu vực này, họ cho biết “làm bóng đá khổ bao nhiêu cũng chịu được, vẫn có thể gầy dựng phong trào, nhưng không có cái khổ nào bằng việc kiếm tiền khi lên đá chuyên nghiệp”. Cụ thể như đội bóng Cà Mau. Hai năm trước lần đầu được lên hạng nhất thi đấu, rất tự hào vì là địa phương địa đầu Tổ quốc cũng có đội bóng đàng hoàng. Thế nhưng, với khoản kinh phí chỉ chừng 10 tỷ đồng lại không kiếm đâu ra, dù đã thành lập công ty cổ phần để gọi vốn đầu tư. Nay thì Cà Mau đành cam chịu quay lại đá hạng nhì với khoản ngân sách bao cấp tròm trèm 1 tỷ đồng của ngành thể thao địa phương.

Để có một đội bóng đá chuyên nghiệp, quy định thì chỉ là 25 tỷ đồng, nhưng thực tế mỗi CLB phải có khoảng 40 tỷ đồng cho hoạt động suốt năm, bao gồm phần chi phí duy trì các đội trẻ theo quy định. Trong khi đó, kể cả ở thời điểm thi đấu tốt nhất, đội bóng nổi tiếng Đồng Tháp cũng chỉ thu được khoảng 7 tỷ đồng từ các hoạt động thương mại như quảng cáo, bán vé. Nguyên nhân đến từ mặt bằng thu nhập, sức tiêu thụ của thị trường đối với sản phẩm quảng cáo. Điều này cho thấy nếu không có doanh nghiệp sở hữu hoặc bảo trợ tài chính thì không thể đủ sức đá chuyên nghiệp. Nhưng tìm một doanh nghiệp bỏ ra 15 - 20 tỷ đồng là bất khả thi với các địa phương ở miền Tây trong việc gọi đầu tư tại chỗ. Tính đến nay, các đội bóng miền Tây từng lên đá chuyên nghiệp đều nhờ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp… đến từ TPHCM. Việc duy trì 15 năm đá chuyên nghiệp của Long An cũng xuất phát từ lợi thế gần TPHCM.

Như vậy, từ thực tế của quá trình sa sút không phanh mà bóng đá đồng bằng sông Cửu Long đã, đang trải qua, có thể nói trách nhiệm của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đó là phải giải quyết được vấn đề nguồn thu cho các CLB, trước khi nghĩ đến chuyện phát triển chuyên nghiệp ra sao.  

Tin cùng chuyên mục