Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình về gian lận thi cử, sách giáo khoa và giáo viên

Chiều 26-10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình trước Quốc hội về 3 vấn đề: gian lận trong thi cử, có hay không tình trạng độc quyền trong biên soạn sách giáo khoa và tình trạng thừa - thiếu giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục đào tạo là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà. “Có những vấn đề nhận thức được nhưng khắc phục không dễ, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị”, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo trần tình.

Theo ông, mặc dù xã hội thời gian qua có một số bức xúc, song nhìn chung, việc thi cử và xét công nhận phổ thông đã được đổi mới theo hướng giảm áp lực và ít tốn kém cho xã hội; tiến tới trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy đó làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng.

Lộ trình đặt ra là: giai đoạn 2015-2020, kỳ thi phải đánh giá được năng lực của học sinh THPT, làm cơ sở cho xét tuyển đại học và cao đẳng.

Nhận định công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng, Bộ trưởng nhận định, ngành giáo dục đã rất cố gắng, cải thiện theo từng năm. Khâu bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm cũng như chấm thi hay thanh tra đều được chú trọng.

Trên thực tế, kỳ thi chung đã giảm áp lực cho xã hội. Tuy nhiên, tính khách quan, trung thực trong thi cử vẫn là vấn đề. “Năm 2018, tính trung thực bị vi phạm nghiêm trọng. Khi xảy ra sự việc, Bộ GD-ĐT cùng các ngành chức năng đã vào cuộc với tinh thần, xử lý kiên quyết. Đến nay đã xử lý được 11 người vi phạm pháp luật và 151 thí sinh vi phạm quy chế. Cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống gian lận trong thi cử”, Bộ trưởng Nhạ quả quyết.

Vẫn theo Bộ trưởng Nhạ, các cơ quan chức năng đã rà soát lại toàn bộ quy trình chấm thi và thấy rằng, một số khâu cần phải khắc phục. Riêng khâu công nghệ dẫn đến sơ hở thì ngành giáo dục đúng là chưa lường được hết. Bộ GD-ĐT đã họp với tất cả các tỉnh, thành và Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trong năm tới, Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục ổn định kỳ thi. Đề thi bám sát kiến thức phổ thông, trong đó phân hóa mức độ cần thiết để làm cơ sở tuyển sinh đại học và cao đẳng. Nếu để các trường yếu mà tự chủ tuyển sinh thì chất lượng đầu vào ồ ạt, không đảm bảo.

Giải thích về bộ sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Khi học các cháu vẽ vào sẽ luyện phương pháp tốt hơn, tuy nhiên, khi ban hành chương trình mới, chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục hạn chế mức độ tô, vẽ, tránh lạm dụng điều này. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết với các đại biểu Quốc hội về sách giáo khoa".

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội khóa X kết luận có một bộ sách giáo khoa được sử dụng trong cả nước và bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Như vậy, theo Luật Xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao việc biên soạn và biên tập, chỉnh lý, in ấn phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục. 
Trong quá trình thực hiện có điều tốt là một chương trình phổ biến trong toàn quốc, rất nhiều vùng giáo viên khác nhau với trình độ khác nhau cũng ổn định, học cũng như dạy ổn định. Tuy nhiên, rất nhiều thầy cô dựa vào sách giáo khoa và phụ thuộc sách giáo khoa dẫn đến cứng nhắc, dập khuôn máy móc thì đây là một bất cập. 
Vì một bộ sách giáo khoa chưa khai thác được trí tuệ của các ngành, các tầng lớp, do vậy Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình có một số sách giáo khoa để khắc phục điểm này. 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một bộ sách giáo khoa trong bối cảnh như vừa rồi quản lý cũng phức tạp. Tới đây, áp dụng một chương trình, một bộ sách giáo khoa có thể dẫn đến tình trạng là có một số sách không phải nhà xuất bản nào cũng có hoặc trình độ không đồng đều, giáo viên các vùng miền tham gia giảng dạy cũng khác nhau. Chính vì vậy, trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện để tham gia, mở rộng.
"Ở đây mỗi phương án có điểm thuận và không thuận. Nhưng đợt đổi mới lần này, chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản, trước kia đổi mới từ sách giáo khoa, dựa vào sách giáo khoa, còn bây giờ thiết kế theo Nghị quyết 88 là dựa vào chương trình, chương trình tổng thể, theo từng môn học. Từ chương trình ấy mới viết sách giáo khoa. Như vậy sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng để thể hiện phương án, mục tiêu, chương trình, phương pháp. Bên cạnh đó, một số tài liệu khác theo tiêu chuẩn quốc tế và nước nào cũng làm như vậy" - Bộ trưởng nói.
Khi thiết kế sách giáo khoa tạo cơ hội để các thầy cô giáo sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt vùng miền, vì thiết kế chương trình 80% là khung thống nhất toàn quốc, còn 20% là đặc điểm vùng, miền chuyên biệt, địa phương, tạo sự linh hoạt.
Về giáo viên, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng và quy chuẩn cho giáo viên. Quy chuẩn đã sửa, chất lượng nâng dần, nhưng còn tình trạng thừa – thiếu giáo viên thì cần sự hỗ trợ của địa phương – nơi sử dụng trực tiếp. Bộ trưởng tha thiết đề nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học, mà có sự cân nhắc, cân đối trên cơ sở có học sinh thì phải có giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập…

Tin cùng chuyên mục