Bộ trưởng Bộ Tài chính: TPHCM phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước ​

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong Quốc hội ủng hộ thông qua Nghị quyết để tạo sự đột phá cho TPHCM, đóng góp nhiều hơn vào GDP cho cả nước.

Trưa 20-11, cuối phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình lại một số vấn đề ĐBQH quan tâm.

TPHCM thu ngân sách khó sẽ làm NSTW khó khăn thêm rất nhiều

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đa số ĐBQH tán thành cần thiết ban hành Nghị quyết. Báo cáo thêm về sự cần thiết dưới góc độ yêu cầu thực tiễn của cả nước, Bộ trưởng cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất và là đầu tàu của cả nước.

GDP của TPHCM chiếm 1/5 GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần cả nước. Số doanh nghiệp (DN) chiếm 1/3 cả nước. TP có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, TPHCM phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho phát triển cả  nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: TPHCM phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: quochoi.vn
Về ngân sách nhà nước (NSNN), TPHCM đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách hàng năm. Quan trọng hơn, TP là địa bàn đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách trung ương (NSTW) và mức đóng góp ngày càng tăng thể hiện rõ tinh thần TP vì cả nước.

Cụ thể, giai đoạn 2004 – 2006, tỷ lệ điều tiết của NSTW từ các khoản thu phân chia của TP là 71%, đến 2007 – 2010 tăng lên 74%. Giai đoạn 2011 – 2016 tăng lên 77%. Giai đoạn 2017 – 2020 là 82%. Như vậy, đúng như ĐBQH nói, TPHCM thu 100 đồng, giữ lại 18 đồng. Ngoài ra, TP đóng góp trên 1/3 thu từ xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô cả nước, đây là khoản NSTW hưởng 100%.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự toán 2018, Quốc hội giao cho TPHCM là 376.000 tỷ đồng, tức là để hoàn thành dự toán 2018, TP phải thu trên 1.000 tỷ đồng/ngày. Khi làm dự toán, TP chỉ nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu sẽ giảm cho rất nhiều địa phương khác.

Vấn đề là động lực tăng trưởng của TP đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức 2 con số giai đoạn 1986 – 2010 (10,2%) đã giảm còn 1 con số trong giai đoạn sau (9,6%), tác động trực tiếp làm chậm lại mức tăng trưởng chung của cả nước.

Cho dù thời gian này nhiều địa phương khác có mức tăng trưởng vượt bậc nhưng do mức đóng góp không lớn nên không bù lại được. Từ tăng trưởng kinh tế đến tốc độ tăng thu ngân sách của TP đều chậm lại. Nếu như trước đây, tốc độ tăng thu của TP hàng năm tăng khoảng trên dưới 20% thì nay chỉ còn 14 – 16%, điều này làm tác động trực tiếp đến cân đối của NSTW.

Do trên 80% các khoản thu phân chia nội địa và 100% khoản thu xuất nhập khẩu và dầu thô trên địa bàn thuộc NSTW, nên rủi ro thu trên địa bàn TP chủ yếu thuộc về NSTW. Khó khăn thu ngân sách của TP sẽ làm NSTW khó khăn thêm rất nhiều.

TPHCM phải xây dựng đề án cụ thể về tăng thuế suất

Về nội dung các cơ chế, chính sách thí điểm cho TP, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu là phân cấp, phân quyền đối với quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp, thu nhập của cán bộ công chức viên chức do TP quản lý.

Theo quy định hiện hành, đây là thẩm quyền của cấp trên nay phân cho TP thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, Chính phủ trình Quốc hội cho phép TP nghiên cứu xây dựng để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội cho phép thí điểm.

Về băn khoăn của một số ĐBQH về phân cấp phân quyền trong cơ chế chính sách tài chính, đặc biệt là đề xuất thuế tài sản, điều chỉnh chính sách thu hiện hành, Bộ trưởng cho rằng các băn khoăn này là xác đáng.

Khi đề xuất chính sách này, TPHCM và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong Dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến DN, nhất là DN vừa và nhỏ, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới sản xuất, lưu thông hàng hoá trên cả nước, tập trung vào hàng hoá phát sinh trên địa bàn TP.

Mặt khác, việc ban hành Nghị quyết không có nghĩa TP thực hiện tăng thuế ngay mà TP phải xây dựng đề án cụ thể, tăng ở thuế suất nào, đối tượng chịu thuế, đánh giá tác động đầy đủ đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân, các tác động xã hội khác để báo cáo HĐND TP, báo cáo Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội nếu cần thiết để xem xét, quyết định.

Về thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đúng như ĐBQH nói đây là sắc thuế mới, khó, cần sự đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác, cần đồng thuận, nên rất cần thí điểm để tổng kết nhân rộng.

Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH là nên mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có, tập trung vào điều tiết tiêu dùng trên địa bàn TP của các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, sản xuất kinh doanh, mặt hàng nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống thất thu, quản lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá, gian lận thương mại. Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và TPHCM để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.

Không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công

Về tác động của Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết khi xây dựng dự thảo, Chính phủ đã bàn và thống nhất với TPHCM để các cơ chế chính sách này cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công trong kế hoạch tài chính 5 năm cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, không ảnh hưởng phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, TP vẫn tiếp tục điều tiết về trung ương với tỷ lệ hiện hành, NSTW cũng không cam kết bổ sung thêm cho TP. “Thực tế, dù chúng ta muốn cũng khó khăn, không làm được khi ngân sách rất khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Đối với thu từ cổ phần hoá DNNN, theo kế hoạch dự kiến, thu từ TP khoảng 20.000 tỷ đồng trong tổng số 250.000 tỷ đồng kế hoạch 5 năm của cả nước. Nay Chính phủ trình Quốc hội cho để lại nguồn này cho TP.

Đồng thời, trong điều kiện cân đối NSTW rất khó khăn, tránh ảnh hưởng cân đối NSTW và các địa phương cần hỗ trợ từ trung ương, Chính phủ đề xuất phương án không hỗ trợ trở lại khoản 18.800 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư của NSTW cho TP.

Nhưng qua thảo luận tại Quốc hội, để tránh ảnh hưởng tiến độ dự án, có thể nghiên cứu theo phương án như ĐBQH đề xuất, tức là TP thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Trung ương đã giao. Trong quá trình thu từ cổ phần hoá, thoái vốn, thì TP có thể hoàn trả lại khoản này.

Theo Bộ trưởng, giá trị vốn Nhà nước tại 39 DN mà TP quản lý trong danh sách phải cổ phần hoá giai đoạn 2016 – 2020 thì giá trị sổ sách khoảng 42.000 tỷ đồng, TP dự kiến thu 67.000 tỷ đồng từ cổ phấn hoá.

Bộ Tài chính cho rằng, giai đoạn tới, khi kinh tế TP mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hoá không chỉ là 20.000 tỷ đồng mà có thể gấp nhiều lần số này, có thể cao hơn dự kiến. Khi đó, theo dự thảo Nghị quyết, phần để lại cho TP sẽ là nguồn lực đáng kể để TP thực hiện nguồn lực của mình.

Nếu TP bán được hết theo lộ trình có thể thu được 67.000 tỷ đồng. Trong điều kiện thị trường tài chính tốt hơn, làm tốt hơn thì có thể còn hơn 67.000 tỷ đồng.

Với các địa phương, vốn DNNN chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, các địa phương khác rất ít. Theo quy định, sau khi thoái vốn, cổ phần hoá, các địa phương phải nộp về quỹ phát triển DN trung ương. Nhưng thực tế thời gian qua, số các địa phương nộp về so với số địa phương xin cấp bổ sung vốn điều lệ cho các công ty công ích tại địa phương ít hơn (tức địa phương nhận về nhiều hơn).

Bộ trưởng Bộ Tài chính: TPHCM phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước ​ ảnh 2 Hạ tầng giao thông phát triển góp phần cho cuộc sống tốt ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất, bán tài sản nhà nước trên đất, Bộ trưởng cho biết, trước năm 2007 thực hiện theo quy định Luật NSNN 2002, Quyết định 09 của Thủ tướng, TP được hưởng 50% số này. Từ năm 2017, khoản thu từ đất, tài sản trên đất của các tổ chức đơn vị thuộc trung ương quản lý là khoản thu NSTW hưởng 100%.

Dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách TP được hưởng 50% như trước, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền trên đất sau khi đã trừ chi phí di dời, xây dựng cơ sở tại địa điểm mới, áp dụng cho các cơ quan tổ chức đơn vị trung ương quản lý trên địa bàn TP, trừ các cơ quan đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh. 

Dự kiến giai đoạn 2017 – 2020 sẽ chuyển nhượng di dời 81 cơ sở của trung ương, với 550.949m2 đất , thu về 17.800 tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn khoản này để đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở mới. Phần còn lại rất nhỏ và TP chỉ được hưởng 50% số này.

Về việc nâng mức dư nợ vay của TP, Bộ trưởng cho hay, ước dư nợ vay của TP đến 31-12-2017 là khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng 40% mức dư nợ cho phép hiện hành (không quá 70% vốn được hưởng theo phân cấp).

Nếu nâng mức dư nợ vay cho TP lên 90%, thì theo dự toán 2018, mức vay của TP khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP theo quy định hiện hành, việc tăng mức vay của TP được đặt trong yêu cầu đảm bảo an toàn nợ công, cân đối NSNN.

Với những vấn đề đã giải trình trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong Quốc hội ủng hộ thông qua Nghị quyết để tạo sự đột phá cho TPHCM, đóng góp nhiều hơn vào GDP cho cả nước.

Tin cùng chuyên mục