Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về quy định mới tuyển dụng công chức

Việc tuyển dụng, áp dụng 2 hình thức, đó là thi tuyển và xét tuyển. Nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, tất cả mọi người tham dự thi bình đẳng. Qua đó khắc phục được tình trạng các Bộ, ngành, địa phương tự định ra các tiêu chuẩn trong việc thi tuyển công chức, viên chức.

Ngày 7-6, trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, xuất phát từ việc trong thời gian qua, việc áp dụng các quy định pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức có nhiều vấn đề bất cập, do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về quy định mới tuyển dụng công chức ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Theo đó, Nghị định số 161 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 3 Nghị định (Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp). Nghị định này có nhiều điểm mới rất quan trọng, trong đó nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. 

Về tuyển dụng, áp dụng 2 hình thức: thi tuyển và xét tuyển. Nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để tất cả mọi người tham dự thi bình đẳng và cũng khắc phục được tình trạng trong thời gian qua, đó là các Bộ, ngành, địa phương tự định ra các tiêu chuẩn trong việc thi tuyển công chức, viên chức. Lấy dẫn chứng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, bằng cấp phải là bằng chính quy hoặc phải tốt nghiệp trong các trường công lập… Nghị định này quy định không phân biệt bằng cấp và nơi đào tạo, để đảm bảo tính công bằng cho tất cả người dự thi.

Bên cạnh đó, các chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Trong những trường hợp đặc biệt, trước đây phải có sự thống nhất của Bộ Nội vụ, nhưng trong Nghị định 161 quy định rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, đơn vị tuyển dụng trực tiếp tuyển dụng không cần xin ý kiến của Bộ Nội vụ. Đối với những trường hợp trước đây đã là công chức nhưng sau đó được luân chuyển, điều động làm việc ở những nơi khác, nay được điều động trở lại cơ quan hành chính thì không phải thi lại.

“Việc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức đã được phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Trong nhiều năm qua, nhiệm vụ này là của Bộ Nội vụ nhưng Nghị định này đã giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức thi và cũng đơn giản hóa trình tự, thủ tục thi như là tuyển dụng công chức, viên chức.

Thực hiện thi theo 2 vòng: vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng thi trên máy; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.

Tin cùng chuyên mục